Những lời cuối cho một năm cũ
Nguyễn
Thị Từ Huy
2014-12-29
2014-12-29
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Công nhân với biểu tượng búa liềm trang
trí thành phố Hà Nội vào năm mới 2015.
Còn vài ngày nữa năm
2014 sẽ qua đi.
Ở Việt Nam nó sẽ qua đi
và để lại rất nhiều đau đớn.
Năm 2014 để lại rất
nhiều người trung thực và can đảm ở trong tù. Nó cũng để lại những người lương
thiện đang trong nguy cơ bị tòa án lấy mạng sống để thế cho những kẻ có tội
thực sự. Nó để lại bao nhiêu người dân lương thiện bị đánh chết ở cái nơi mà lẽ
ra họ phải được bảo vệ, bởi những người sống bằng tiền thuế của họ và lẽ ra
phải bảo vệ họ.
Nó để lại những người phụ nữ quả cảm đang tuyệt thực đòi công
lý. Nó để lại cả một xã hội trong tình trạng chấn thương tinh thần tập thể
triền miên : oan ức nối tiếp oan ức, bất công nối tiếp bất công, mất mát
nối tiếp mất mát, xót xa nối tiếp xót xa, phẫn nộ nối tiếp phẫn nộ. Ngay giữa
thời bình mà hầu như chẳng có ngày nào được yên.
Năm 2014 còn để lại nguy
cơ nô lệ cho cả một dân tộc.
Những ngày cuối năm dồn
dập hung tin. Tôi không đủ năng lượng, không đủ thời gian, không đủ sự vững
vàng tinh thần để đề cập đến tất cả các sự kiện. Xin nhường lại cho những người
khác vụ việc những người tử tù oan, những người đang tuyệt thực, những cựu tù
nhân lương tâm và những người hoạt động nhân quyền vô cớ bị đánh đập, và những
vụ việc khác. Ở đây tôi dành vài lời cuối cùng của năm để nói về sự vụ bắt bớ
các bloggers.
Đã có nhiều bài viết
nhằm giải đáp câu hỏi vì sao các bloggers bị bắt. Trong bài này tôi đặt ra một
câu hỏi khác : « Ai làm cho các bloggers bị bắt ? »
Câu trả lời tưởng như dễ
dàng và đơn nhất : chính các bloggers bằng hành động làm blog đã tự dẫn
mình đến chỗ bị bắt giam và phải vào tù.
Nhưng tôi cho rằng câu
trả lời không đơn giản như thế.
Còn một câu trả lời khác :
Chúng ta làm cho họ phải vào tù.
« Chúng ta »
là ai ? Theo tôi, trong chữ « chúng ta » này có hai đối tượng
(chữ « đối tượng » ở đây không được hiểu theo nghĩa mà công an thường
dùng) : các tác giả có bài được giới thiệu và các độc giả của những
bloggers ấy.
Ta hãy lấy trường hợp Bọ
Lập làm ví dụ : blog Quê Choa chủ yếu đăng lại các bài viết đã đăng ở nơi
khác, hoặc đăng bài của những người khác gửi đến Quê Choa, Bọ Lập viết blog rất
ít và hầu như không viết về đề tài chính trị. Vậy không thể nói rằng Bọ Lập bị
bắt vì các bài viết của Bọ Lập.
Bọ Lập bị bắt vì giới
thiệu bài viết của những người khác. Chính các tác giả viết bài (trong có tôi)
đã làm cho Bọ Lập phải vào tù.
Mặt khác, để biết ai là
người làm cho Bọ Lập vào tù ta phải trả lời thêm câu hỏi này : nếu Quê
Choa đăng bài nhưng không có độc giả hoặc ít độc giả thì chủ nhân của Quê Choa
có bị bắt không ? Câu trả lời chắc chắn là « không ». Nếu blog
không có độc giả hoặc ít độc giả thì chính quyền đâu cần bận tâm.
Chính là con số hàng
trăm triệu lượt truy cập của Blog Quê Choa đã khiến cho chính quyền bất chấp
hết cả luật pháp lẫn đạo lý để đưa con người tàn tật ốm đau ấy vào nhà giam.
Chính sự yêu mến mà độc
giả dành cho Quê Choa đã làm cho Bọ Lập phải vào tù.
Việc bắt Hồng Lê Thọ
hoàn toàn nằm trong logic này. Nguyễn Hữu Vinh tuy có viết bài, có bày tỏ chính
kiến một cách rõ ràng, nhưng cũng không đi ra ngoài logic này, bởi trang Ba Sàm
cũng giới thiệu tin và đăng lại bài của người khác, cũng có số lượt độc giả
truy cập rất lớn.
Sự lan tỏa của các blog
là điều mà các chính quyền dân chủ rất ủng hộ, cổ vũ, nhưng đó lại là điều mà
một chính quyền độc tài không chịu đựng nổi. Và blog chỉ có thể lan tỏa được
khi có sự quan tâm của độc giả.
Chúng ta, các tác giả và
độc giả của blog Ba Sàm, blog Trương Duy Nhất, blog Quê Choa, blog Người Lót
Gạch..., chúng ta đừng quên rằng chính chúng ta đã đẩy Nguyễn Hữu Vinh, Trương
Duy Nhất, Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ và những bloggers khác vào tù.
Chỉ còn lại là chúng ta
có định làm gì cho họ không mà thôi. Một chữ ký, một bông hồng, một bài viết,
đăng lại một bài của họ, nói lên một suy nghĩ về họ, tiếp tục công việc dang dở
của họ (lập ra một blog khác, nếu không phải Quê Choa thì là Quê Tôi hay Quê
Ta..., nếu không phải Người Lót Gạch thì là Người Lót Đường...), hay bất kỳ một
hành động cá nhân hoặc hành động tập thể nào khác, để thể hiện chút tình đối
với họ.
Việc các bloggers phải
vào tù đặt chúng ta trước hai sự thật mà chúng ta phải đối diện: sự thật
về chế độ, và sự thật về chính chúng ta.
Liệu chúng ta có thể im
lặng nhìn họ ngồi tù trong đau yếu bệnh tật?
Liệu chúng ta có thể
hoan hỉ say sưa đón năm mới, bỏ mặc họ một mình sau chấn song lạnh lùng tàn
nhẫn của chế độ và sau màn sương mù lạnh lẽo vô cảm của chúng ta???
Họ đã làm rất nhiều cho
chúng ta.
Họ đã làm rất nhiều và
đã vào tù để giữ cho chúng ta niềm hy vọng, để cho chúng ta còn có thể tự hào
rằng Việt Nam vẫn có những con người đích thực.
Họ vào tù để chúng ta
được sống trong sự thật.
Họ dùng chính cuộc sống
của họ để trả giá cho tự do của chúng ta.
Chúng ta đừng quên điều
đó. Đừng để sự hy sinh của họ thành ra vô ích.
Chúng ta cần giữ ngọn
lửa mà họ đã nhen nhóm và nuôi dưỡng suốt những năm qua, thổi bùng nó lên trong
bóng đêm đen tối và lạnh giá này để tiếp tục đi về phía bình minh...
Paris, 27/12/2014
Nguyễn Thị Từ Huy
*Nội dung bài viết không
phản ảnh quan điểm của RFA.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks