Cuba hội nhập: ai mừng, ai lo?
Bùi
Tín (VOA) -
Cuối năm 2014 thêm một tin vui: sau 53 năm bị gián đoạn, quan hệ ngoại giao
giữa Hoa Kỳ và Cuba được nối lại, do thiện chí của cả 2 bên, được Tòa Thánh
Vatican làm trung gian thúc đẩy. Gián điệp bị tù lâu năm của 2 bên được trả tự
do. Hơn 50 nhà dân chủ Cuba bị tù trong danh sách yêu cầu do phía Hoa Kỳ đưa ra
cũng được trả tự do. Các sứ quán sẽ được mở lại. Du lịch sẽ được mở ra. Quan hệ
buôn bán, ngân hàng sẽ được nối lại. Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Cuba và
Chủ tịch Raul Castro sẽ thăm Hoa Kỳ. Nước Cuba độc đảng theo học thuyết Mác -
Lênin bắt đầu hòa nhập với thế giới là một chuyển biến tích cực.
Cuba là nhà nước cộng sản toàn trị duy nhất ở
châu Mỹ, một thời từng là thành viên duy nhất ở châu Mỹ của phe XHCN rộng lớn
bao gồm các châu lục Âu, Á và Mỹ do Liên Xô lãnh đạo. Có lúc Cuba đã gửi hơn 10
vạn quân sang một số nước châu Phi, như Angola và Ethiopia để hòng bành trướng
phe XHCN sang châu Phi.
Cuba, tiền đồn CS ở châu Mỹ, sau khi bị mất
chỗ dựa quyết định về chính trị, quân sự, kinh tế tài chính là Liên Xô từ năm
1991, nay lâm vào cảnh mà nhà báo Cuba José Manuel mô tả là “thảm họa rẩy chết”
do bị cấm vận và cô lập kéo dài (theo bài báo “Bước đầu tan rã của một Nhà nước
toàn trị” trên tạp chí Le Courrier International 12/2014). Trung Quốc ở quá xa,
hàng hóa truyền thống như xì gà, rượu rum không xuất được, nền du lịch đình
trệ, trộm cắp lan tràn, đồng Peso trượt giá nhanh theo đồng Rúp, thiếu thốn và
nghèo đói lan tràn. Ông Raul Castro không có con đường nào khác hơn là tìm
đường hòa giải với người láng giềng to lớn ở cạnh. Sau khi tổng thống cánh tả
Hugo Chavez của Venezuela từ trần, 2 anh em Castro mất đi người bạn hẩu cuối
cùng ở châu Mỹ mà cũng là nguồn viện trợ và cung cấp dầu giá rẻ, nên buộc lòng
phải tìm con đường hội nhập để tồn tại. Trước khi hội nhập, một loạt thay đổi
về dân chủ hóa, tự do hóa, tự do kinh doanh, tự do đi lại đã được thực thi.
Nhà báo José Manuel cho rằng Cuba đang tất yếu
thoát khỏi chế độ toàn trị để rồi chuyển dần sang một nền dân chủ đa nguyên như
mọi nước ở châu Mỹ. Với bình thường hóa với Hoa Kỳ, tăng cường quan hệ với
Canada và Liên Âu, nền kinh tế thương mại và tài chính của Cuba sẽ khôi phục
nhanh. Thế địa lý – chính trị của Cuba có vai trò rất quyết định. Sát cạnh Hoa
Kỳ, giữa vùng biển Caribê tấp nập thông thương, có những bạn thân như
Venezuela, Bolivia và Nicaragua thuộc cánh tả, đều theo chế độ dân chủ đa
nguyên đa đảng.
So với chế độ CS toàn trị ở Việt Nam, Cuba ở
vào vị thế khác hẳn, không có anh láng giềng khổng lồ CS độc đoán và bành
trướng nào nằm ngay trên đầu mình để đe dọa, khống chế. Cuba có phong trào dân
chủ kiên cường, có tầng lớp trí thức dân chủ có truyền thống dày dạn chống độc
đoán, lại có nền giáo dục khai phóng từ tiểu học, trung học lên đại học hơn hẳn
Việt Nam, lại rất tự hào có nền y tế tiên tiến so với thế giới, vừa có lớp giáo
sư bác sĩ y khoa có trình độ cao, vừa có hệ thống y tế rộng khắp phục vụ toàn
xã hội.
Đối với Hoa Kỳ, một nước Cuba cộng sản tiền
đồn của phe XHCN đồng minh của Liên Xô sát cạnh mình mới đáng ngại, nay Liên Xô
đã sụp đổ, phe XHCN đã tan biến, Cuba không còn cái thế như trước, huống gì
Cuba khốn đốn cô lập, là nước CS ’rẫy chết‘ cần cứu sống, tranh thủ để từ đó
hòa nhập thuận lợi với cộng đồng thế giới. Rõ ràng đây là bước hòa giải giữa 2
cựu thù theo chiến lược 2 bên cùng có lợi.
Có ai không mặn mà với sự kiện nổi bật này?
Nhìn cho rộng, nhìn cho kỹ thì có 2 nước ở xa nhưng lại lo ngại trước sự kiện
này. Đó là Trung Quốc và Việt Nam.
Theo giáo trình của Học viện Chính trị - Hành
chính quốc gia Hồ Chí Minh, sự tan vỡ của phe XHCN thế giới năm 1991 chỉ là
thất bại “tạm thời”, rồi phe XHCN sẽ được khôi phục hùng mạnh như và hơn xưa do
chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết “tất thắng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng từng cao giọng thuyết giảng lập luận này cho trường đảng La Havana vào
tháng 4 năm 2012, nhưng bị phủ nhận, không một tờ báo Cuba nào nhắc đến buổi
tuyên truyền vô duyên phản hiện thực ấy; đó còn là nguyên nhân bị Tổng thống
Dilma Rousseff của Brazil lập tức đóng cửa không tiếp, dù cho kế họach cuộc đi
thăm cấp cao đã được hoạch định hàng tháng trước. Ngay trước đó ông Fidel
Castro đã công khai tuyên bố “mô hình Cuba theo đuổi không còn thích hợp”. Và
nay họ đang triển khai con đường hòa nhập và hòa giải của họ, qua môi giới của
Canada và Tòa Thánh Vatican, với những bước đi riêng, nhưng chắc chắn là gọn
gàng, suôn sẻ thuận lợi, không ỳ ạch, đầy mâu thuẫn như ở Việt Nam.
Cái thuận lợi lớn của Cuba khi hội nhập với
thế giới là không có một thế lực nào ở gần ngăn cản, kiềm chế và phá đám như
Việt Nam khi đổi mới và hội nhập. Ở vị trí địa lý – chính trị giữa vùng biển
Caribê, giữa châu Mỹ đầy sức sống, Cuba còn là một dân tộc cởi mở yêu đời, nổi
tiếng về nền y học tiền tiến quý trọng mạng sống của con người. Quá trình hội
nhập của Cuba chắc chắn sẽ diễn ra nhanh chóng, sâu sắc, toàn diện, thuận lợi,
bù lại cho hơn nửa thế kỷ trì trệ vừa qua./.
Bùi Tín
No comments:
Post a Comment
Thanks