Có
mẹ, trong đêm dài trên quê hương
Nhạc
sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2014-12-04
2014-12-04
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ
của tử tù Hồ Duy Hải, tại Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý-Hòa bình tại nhà thờ
Thái Hà cuối tháng 11/2014.
Photo: RFA
Đêm ngày 5 tháng 12,
chắc sẽ có 2 người không thể nào ngủ được, đó là hai mẹ con tử tù Hồ Duy Hải.
Họ không nhìn thấy nhau, nhưng những giọt nước mắt chảy xuống sẽ có cùng một
cảm xúc của đau thương và hy vọng.
Anh Hải chắc hẳn phải
khóc ngàn lần, và cám ơn tạo hóa đã ban tặng cho anh một bà mẹ tuyệt vời. Người
mẹ rất đỗi bình thường như hàng triệu người mẹ Việt Nam trên đất nước này,
nhưng giữa nguy khốn, bà hóa thân thành Phật Bà Quán Thế Âm, hóa thân thành Mẹ
Maria, hóa thân thành một kẻ điên khùng bất chấp tính mạng… để lăn xả vào giòng
tuyệt vọng, kéo đứa con mình khỏi án tử hình.
Người đàn bà với khuôn
mặt không có gì đáng nhớ ấy đã khiến thế giới phẳng của những người viết và đọc
tiếng Việt phải xao xuyến. Chỉ trong một vài ngày, gần như hình ảnh của một phụ
nữ chan chứa lệ với tấm biểu ngữ kêu oan cho con mình đã được chuyền đi từng
trang facebook, trở thành một sự kiện nóng bỏng đến mức giới truyền thông nhà
nước cũng phải quan tâm và cùng lên tiếng đòi xét lại vụ án của tử tù Hồ Duy
Hải.
Nếu là một kịch bản
phim, thì đó là một bộ phim nghẹt thở cho đến phút cuối. Ngay khi những dòng
chữ viết tay của ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh Án tòa án Nhân Dân tỉnh Long An
xác nhận việc ngưng thi hành án vào chiều ngày 4 tháng 12, mọi thứ bùng nổ
thành một niềm vui chung của đám đông. Trong rất nhiều ngày, Tòa án uy nghi của
tỉnh Long An vẫn lạnh lùng im lặng trước tiếng kêu gào lạc giọng của bà mẹ về
những điều oan ức bị gán trong cáo trạng, dẫn đến án tử của con mình. Trong
những bản video ghi lại, tràn ngập người xem trên You Tube, cho thấy bà Nguyễn
Thị Loan bị xô đẩy bởi công an gác cổng, bị miệt thị bởi các bài báo chủ trương
tuân phục các án lệnh mà không tìm hiểu.
Mỉa mai thay, bà mẹ đó đã
làm tất cả, tìm đủ mọi chứng cứ cho thấy kết quả điều tra bị đánh tráo, lẫn các
kết luận sai về mẫu máu, tóc vân tay… của con mình để xin trình lên tòa án, xin
được xét lại những điều kỳ lạ đang áp đặt cho con bà. Một người đàn bà nhỏ
nhắn, yếu đuối đã hành động như thay một bộ máy tư pháp để chỉ xin những người
có trách nhiệm ghé mắt qua. Bà Loan đã trãi qua nhiều đêm rất dài không ngủ, bà
đã khóc cạn nước mắt. Đổi lại, bà chỉ nhận được một câu trả lời từ phía tòa là
muốn con mình được xử tử bằng súng hay tiêm thuốc độc.
Phó Chánh án Tòa án Nhân
dân tỉnh Long An, Ông Lê Quang Hùng, ký lệnh hoãn tử hình đối với anh Hồ Duy
Hải, ngay trước ngày bản án được thi hành.
Từ câu chuyện của người
tử tù Nguyễn Thanh Chấn cho đến Hồ Duy Hải, quy trình tố tụng của tòa án Việt
Nam đang bộc lộ những mảng tối ghê sợ. Ép cung, tra khảo, thay đổi kết quả điều
tra… tất cả mọi thứ lộ dần. Con người không tìm thấy công lý trước tòa án của
quê hương mình, mà chỉ thấy sự sợ hãi và nhận thức rõ thêm thân phận mình không
là gì. Lúc này, đang có bao nhiêu án oan đang rãi khắp các trại giam Việt Nam?
Bao
nhiêu tử tù đang cay đắng vì không thể tìm thấy công lý cho mình? Đêm 5 tháng
12, Hồ Duy Hải có thể đã khóc trong trại giam vì hạnh phúc tạm thời, nhưng có
bao nhiêu tù nhân đang âm lặng rơi nước mắt đau tủi cho phận mình?
Có tin rằng, lệnh hoãn
thi hành án ngày 4 tháng 12, không phải đến tay bà Loan đầu tiên, mà đến trước
ở giới truyền hình. Thậm chí, người ta đã định chỉ đến giờ phát hình buổi tối
mới công bố như một show diễn gây xúc động, tạo bất ngờ cho bà Loan. May thay
sự đồi bại giả định đó đã không diễn ra.
Nếu phải cảm ơn ai đó
cho phần đầu của vở kịch công lý này, thì đó là đám đông vô danh trên thế giới
phẳng. Họ đã làm tất cả để cứu sống một mạng người, đã cùng rơi nước mắt và khổ
đau cùng một bà mẹ quê chưa bao giờ giáp mặt trước đó. Trong những đêm đầu
tháng 12, đến tận 2 giờ sáng vẫn có những status mới trên facebook truyền tin,
kêu gọi, nhắc nhau ký tên vào bản petition đòi xét lại vụ án Hồ Duy Hải. Hành
động của viên phó chánh án hay ông chủ tịch nước rất thức thời khi quyết định
hoãn phiên xử tử, nhưng mặt khác, đó cũng là một chiến thuật, tránh một cuộc khủng
hoảng cho một hệ thống đã lụn bại trước sự tức giận của đám đông ngày càng lớn
và khó kiểm soát.
Nhưng câu chuyện vẫn
chưa dừng ở nơi đây. Hoãn thi hành án, tức làm giảm sự căng thẳng của vấn đề,
nhưng chưa có nghĩa là công lý đã được thực thi. Mọi thứ vẫn còn ở phía trước.
Đêm vẫn còn rất dài trên quê hương này, và trong trái tim lương thiện của mỗi
con người Việt Nam vẫn cần thắp lên một tia sáng cho hy vọng và công lý. Có lẽ
chúng ta vẫn sẽ còn thấy bà Nguyễn Thị Loan ôm biểu ngữ đứng trước tòa nhiều
ngày tháng nữa, cho đến khi sự thật được tìm thấy. Hãy cảm ơn bà mẹ đó, và
ngưỡng mộ như đó là mẹ mình. Vì khi bị bao vây giữa đêm đen tuyệt vọng, ơn trên
đã ban tặng cho chúng một thiên thần với tên gọi là mẹ.
Kể cả những viên công an
đã xô đẩy bà Loan trước cổng tòa án, các tác giả bài viết phụ họa cho án tử của
Hồ Duy Hải, thậm chí cả những nhân viên đã làm sai quy trình trong vụ án của Hồ
Duy Hải… hãy tự cám ơn đời mình, vì một lần được chứng kiến điều kỳ diệu từ
người mẹ.
(Nhạc sĩ Tuấn Khanh, Sài
Gòn 4/12/2014)
*Nội dung bài viết không
phản ảnh quan điểm của RFA
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks