Đi
trong hồn thiêng những anh hùng xưa – Đến gặp những anh hùng nay
Phạm Đình Trọng
Cuối thu, dù ở phương
Nam đang vào mùa khô nắng nóng nhưng khi vòm sấu cổ thụ cổng Cửa Bắc thành cổ
Hà Nội xao xác trong ngọn gió heo may thì hồn tôi cũng xao xác lay động. Vì thế
cuối thu năm nào tôi cũng có chuyến hành hương về phương Bắc để được đắm trong
ngọn gió se lạnh gợi cảm trên cánh tay trần.
Năm trước, bay ra Hà
Nội, tôi ngồi ô tô lên Tây Bắc đến Mường Phăng, chui vào hầm sở chỉ huy của
tướng Giáp, leo lên đồi A1, nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất của chiến
dịch Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam kháng chiến và quân đội Pháp xâm lược
giành đi giật lại từng mỏm đất, từng đoạn chiến hào. Trận Điện Biên Phủ năm
1954 là trận đánh quyết định dẫn đến chấm dứt gần trăm năm đô hộ của giặc Pháp.
Đến núi rừng Điện Biên Phủ tôi cứ khắc khoải nhớ đến mênh mang sông nước Bạch
Đằng. Năm 1954 chấm dứt gần trăm năm nô lệ giặc Pháp thì năm 938 Ngô Quyền đánh
tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng chấm dứt ngàn năm đô hộ của giặc Tàu.
Năm nay tôi phải đến
Bạch Đằng. Đường 18 ngược lên Đông Bắc đưa tôi đi trong hồn thiêng những người
anh hùng của hai triều Lý, Trần, triều Lý nhận đất và triều Trần giữ đất, chống
Đại Hán xâm lược bảo vệ vùng biển đảo giàu đẹp, đưa tôi đến soi mình xuống dòng
sông Bạch Đằng oai hùng và nghe âm vang lời bài hát của Lưu Hữu Phước “Đây Bạch
Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống anh hùng”.
Từ Bạch Đằng, từ hồn
thiêng những anh hùng chống Bắc thuộc giành lại tài sản đất nước, giành lại hồn
thiêng núi sông, tôi tìm đến thăm những người anh hùng hôm nay chống độc tài,
giành lại những giá trị làm người.
Tôi đến đền thờ vua Lý
Anh Tông, vị vua nhà Lý khai sinh ra cảng Vân Đồn ở vách núi bên đường vào
cảng. Ngôi đền khiêm nhường, lối vào khuất sau mỏm đá lô xô, đền nép mình vào
vách núi, hài hòa tự nhiên như một phần hữu cơ của quả núi đá đẹp như một hòn
non bộ.
Năm 1137 vua Lý Anh Tông
đến vùng biển giàu đẹp Đông Bắc nhìn những thuyền cá, thuyền hàng của người
Việt, người Hoa đậu san sát ở bờ biển Vân Đồn, nhà vua liền hạ chiếu cho lập
cảng buôn bán ở đây. Gần 40 năm sau, năm 1172, nhà Lý bị nhà Trần chiếm ngôi
báu, hoàng tử Lý Long Tường trốn thoát cuộc tuyệt diệt nhà Lý của nhà Trần, dẫn
người thân và thuộc hạ đông tới năm ngàn người chạy từ Thăng Long ra Vân Đồn hạ
cây rừng đóng thuyền vượt biển. Đoàn thuyền lưu vong dạt vào phía nam bán đảo
Cao Ly tạo ra dòng họ Lý hiển hách trong lịch sử xứ Hàn.
Thống lĩnh một cánh quân
tham gia đánh tan quân Nguyên rồi nhiều năm trấn giữ dải bờ biển đông bắc, Hưng
Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã
để lại nhiều dấu ấn sâu đậm ở dải đất lịch sử đông bắc và sâu đậm nhất là dấu
ấn ông để lại trong lòng dân. Trong rất nhiều tướng tài nhà Trần đánh thắng
giặc Nguyên ở vùng biển Đông Bắc, chỉ có Trần Quốc Tảng là người dân không gọi
theo tước vương diệu vợi cách trở quan với dân mà thân tình, gần gũi, thành kính
gọi là Đức Ông. Đức Ông Trần Quốc Tảng. Tên đất Cửa Ông dân dã nơi đây có được
cũng từ tên gọi Đức Ông mà ra, Cửa biển nơi có bóng cả của Đức Ông.
Trấn giữ Vân Đồn và cuối
năm 1287 là phó tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cầm quân đánh giặc
Nguyên, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư có công đầu trong trận đánh tan đoàn
thuyền lớn chở quân lương vũ khí của giặc, dẫn đến lần thứ ba vào xâm lược nước
ta giặc Nguyên bị đánh thua đau phải tháo chạy tan tác. Ngôi đền thờ Nhân Huệ
Vương Trần Khánh Dư trên mảnh đất ông đã trấn giữ và lập công ngay trên sườn
núi bên đường 18, sau đền trùng điệp núi non, trước đền thênh thang biển trời, lô
xô đảo đẹp như gấm như hoa.
Suốt hai ngàn năm chống
giặc phương Bắc, gần trăm năm chống giặc phương Tây, mảnh đất nào, dòng sông
nào của núi sông Việt Nam cũng lấp lánh chiến công và Bạch Đằng là dòng sông
chiến công oai hùng nhất, có giá trị và ý nghĩa lớn nhất trong lịch sử Việt
Nam. Chiến công năm 1288 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân
Nguyên, bắt hơn 400 chiến thuyền, tiêu diệt hơn 20 ngàn quân Nguyên là trận
thủy chiến lớn nhất, chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử nước ta, bảo vệ
vững vàng nền độc lập tự chủ. Chiến công năm 938 của Ngô Quyền đánh tan quân
Nam Hán, kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc là trang chói lọi nhất trong lịch sử
Việt Nam, mở ra kỉ nguyên độc lập cho dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam
cho đến hôm nay, Ngô Quyền vẫn là người có công lớn nhất với dân tộc Việt Nam.
Đến soi mình vào dòng
sông chiến công chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, tôi không thể không đến mảnh đất
quê của người anh hùng đã làm nên chiến công đó, đã khai sinh ra nền độc lập
Việt Nam.
Cái thực sự lớn lao, cái
thực sự vĩ đại bao giờ cũng tồn tại trong cái vỏ vật chất thật bình dị, đơn sơ.
Dựng cọc Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán xâm lược, đưa dân tộc Việt Nam thoát
khỏi ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Quyền lên làm vua trị nước củng cố nền độc lập,
được lịch sử Việt Nam ghi nhận là “vua đứng đầu các vua”. Khi mất, vị vua đứng
đầu các vua lại về yên nghỉ trên mảnh vườn quê nhà, dân làng Đường Lâm quê vua
lâp đền thờ vị vua đứng đầu các vua ngay trên nền ngôi nhà vua sinh ra. Ngôi đền
nhỏ bé, khiêm nhường hơn rất nhiều so với những ngôi nhà nông dân bình thường
hôm nay. Phía trước đền, cách vài trăm mét trên đất vườn nhà là ngôi mộ vua đơn
sơ, bé nhỏ như một ngôi miếu dân dã cũng do dân làng quê vua lập và hương khói
suốt hơn ngàn năm qua, không tốn một xu tiền thuế của dân.
Lại chạnh nghĩ đến hàng
ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân cứ thản nhiên, vô tư dốc ra xây dựng
và bảo dưỡng lăng tẩm nguy nga, dựng sừng sững khắp nước tượng đồng, tượng đá
người đã đưa học thuyết cộng sản về nô dịch nhân dân Việt Nam, đẩy người dân
Việt Nam vào cuộc chiến tranh ý thức hệ khốc liệt, người Việt giết người Việt
xương chất thành núi, máu chảy thành sông, đưa tư tưởng Mao Trạch Đông về đánh
phá tan nát nền tảng đạo lí, văn hóa Việt Nam, gây hận thù, li tán, suy yếu dân
tộc Việt Nam để đến nỗi Việt Nam hôm nay phải ngậm đắng nuốt cay nhân nhượng
cho giặc Bắc Hán hết lấn đất, lấn biển lại lần lượt cướp từ đảo nhỏ đến cả quần
đảo lớn mang hồn thiêng cha ông.
Đi qua dải sông núi mang
hồn thiêng những người anh hùng xưa, về đến thành phố Hải Phòng, tôi tìm đến
thăm những người bình dị nhưng thực sự là những anh hùng trong cuộc chiến đấu
thầm lặng mà cam go, phải chấp nhận nhiều mất mát hi sinh, cuộc chiến phá ách
nô dịch giành lại quyền làm người, giành lại giá trị thật sự của tự do dân chủ.
Những người anh hùng đi đầu trong cuộc chiến đó ở thành phố cảng đang mất đi
những bản sắc văn hóa riêng, chỉ còn sự nhốn nháo, xô bồ và nổi tiếng về bạo
lực giang hồ. Người lính già Vũ Cao Quận. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhà văn Nguyễn
Xuân Nghĩa.
P.Đ.T
Tác giả gửi BVN
Ảnh
Sông Bạch Đằng
Đền thờ Ngô Quyền
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Nhà văn Nguyễn Xuân
Nghĩa
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks