Đại Học chăn Trâu




Monday, 22 December 2014

Chuyện Hài Chỉ Có Ở VN: Yêu sách ‘Tước Danh Hiệu Tù Nhân Lương Tâm’!

Chuyện Hài Chỉ Có Ở VN: Yêu sách ‘Tước Danh Hiệu Tù Nhân Lương Tâm’! 
21.12,2014 
 Nguyễn Tường Thụy/VNTB:  Đây là tình tiết mới, làm cơ sở để xét việc giám đốc thẩm vụ án theo hướng xóa bỏ tội danh theo điều 79 (hoạt động lật đổ) cho thầy Phạm Minh Hoàng và tuyên vô tội. Việc này nhằm minh oan và bồi thường cho thầy trong 17 tháng ở tù vì theo quần chúng của đảng, thầy Phạm Minh Hoàng không xứng đáng “là tù nhân lương tâm”.
Theo fb Phạm Minh Hoàng thì tối ngày 17/2, phường 8, quận 10, SG họp tổ dân phố để đánh giá quá trình chấp hành án tại địa phương. Thầy Hoàng có 2 điều “tâm tư”:
 Hình minh họa
Thứ nhất là trong luật không có điều khoản này,
Thứ hai là việc của thầy chỉ liên quan đến 1 tổ nhưng lại có sự hiện diện của 2 tổ, thậm chí còn có cả những khuôn mặt ngoài phường 8 (chắc là những người đã có nghề đấu tố).
Thầy cho biết đến cuộc họp đã thấy “mùi đấu tố” phảng phất đâu đây.
Hai quần chúng tự phát (QCTP) giữ quyền “công tố”, “liên tục những phỉ báng, những chỉ trích việc thầy làm mà tòa đã xử cách đây 4 năm".

Mãi rồi thầy cũng được phép nói. Thầy đưa ra những thắc mắc:
1. Buổi họp này được triệu tập để “tổ dân phố kiểm điểm tôi”, thế nhưng trong Luật thi hành án hình sự hoàn toàn không có điều khoản nào quy định việc này. Vậy thì đây là một buổi làm việc phi pháp.
2. Ông chủ tịch phường giới thiệu thì bà con mới biết tôi là ai vậy dựa trên cơ sở nào để đánh giá về việc làm của tôi.
Cả hai câu hỏi trên không ai trả lời được. Tuy vậy, việc đấu tố thầy Phạm Minh Hoàng lại rất hăng hái. Chẳng hạn nêu vụ việc ngày 5/11/2014 (hôm côn đồ mang hung khí đến đe dọa tính mạng gia đình thầy) đòi truy tố vì tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp (mời xem lại bài Côn đồ hành hung Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn).
Nhưng có lẽ thú vị nhất là đoạn đối thoại giữa thầy Phạm Minh Hoàng với quần chúng tự phát. Xin dẫn ra đây để biết lý luận của quần chúng ngùn ngụt khí thế cách mạng so với một Thạc sĩ tốt nghiệp ở Pháp, giảng viên Đại học:

Xin ghi lại vài mẩu đối thoại tiêu biểu:
QCTP : Từ ngày có đảng (CS) dân tộc ta đã tạo được bao nhiêu kỳ tích, đánh thắng không biết bao nhiêu cuộc chiến và bây giờ chỉ sau 39 năm hòa bình đã được những thành tựu khiến cả thế giới nể phục, vậy mà ông Hoàng còn tiếp tục chống đảng.
PMH : Báo chí nhiều năm trở lại đây đã liên tục nêu lên các sai lầm, những yếu kém thì việc tôi chỉ trích là chuyện bình thường. Còn nói về thành tựu thì cũng nên nhắc lại những thất bại của đảng CS. Ai trong chúng ta cũng đã biết việc khai thác bô-xít đi về đâu, ai trong chúng ta cũng hổ thẹn khi sau 39 năm chúng ta chưa làm nổi con ốc vít và đang bị Kampuchia và Lào vượt mặt.
QCTP: Anh ăn cơm VN, uống sữa VN vậy mà anh đi chống lại chính quyền tức là chống lại nhân dân VN.
PMH : Cơm VN, sữa VN có từ thời Hùng Vương lập quốc chứ không phải có từ khi có đảng hoặc từ 1945 khi ông Hồ tuyên bố độc lập. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng đâu là chủ nghĩa, đâu là dân tộc. Tôi chống cái chế độ cộng sản với những sai trái của nó chứ không hề chống lại nhân dân và tôi sẽ tiếp tục làm việc này cho đến ngày nào vẫn còn oan sai, còn yếu kém, còn tụt hậu.
QCTP: Anh có quốc tịch Pháp thế anh có biết rằng nước Pháp đã cai trị VN suốt 80 năm và “đỉnh điểm” của việc này là sự kiện hơn hai triệu người VN chết. Anh có biết thế không?

PMH: Tôi xin hỏi ông hai triệu người này chết đói vào năm nào? (không trả lời). Tôi được biết là họ chết vào năm 1945 và là do chính sách của người Nhật.
QCTP: Không ai cấm anh thực thi quyền tự do ngôn luận nhưng phải viết cho những cơ quan, báo đài chính thức chứ không được phát tán lên mạng, rồi còn lai-liếc (like) lung tung là không được.
PMH: Tôi đã từng viết bài cho Tuổi Trẻ nhưng họ không đăng, đúng là họ có quyền không đăng thì tôi cũng có quyền nói lên bằng hoàn cảnh và điều kiện của chúng tôi. Còn nếu anh nói “lai-liếc (like) lung tung” thì tôi đề nghị trước tiên nên đóng cửa các trang xã hội cụ thể là Facebook.
QCTP: Nếu anh thấy không thích hợp thì anh cứ việc ra nước ngoài sống.
PMH: (lúc này họ không cho tôi micro, bắt buộc tôi phải gào lên). Tôi là người VN. Tôi sinh ra và lớn lên ở đất nước này, không có gì và không ai có quyền bắt buộc tôi phải ra nước ngoài sống.
QCTP: Tôi đề nghị tước “danh hiệu tù nhân lương tâm” của anh Hoàng.
Quả là một ý kiến thú vị. Đến cả quần chúng tự phát cũng biết "Tù nhân lương tâm" là một danh hiệu cao quí. Thầy Phạm Minh Hoàng - hội viên Hội Cựu tù nhân lương tâm VN - cho biết, dĩ nhiên tôi đã trả lời, nhưng xin để cho mọi người đóng góp ý kiến của mình vào một câu nói có một không hai này.
Còn tôi cho đây là tình tiết mới, làm cơ sở để xét việc giám đốc thẩm vụ án theo hướng xóa bỏ tội danh theo điều 79 (hoạt động lật đổ) cho thầy Phạm Minh Hoàng và tuyên vô tội. Việc này nhằm minh oan và bồi thường cho thầy trong 17 tháng ở tù vì theo quần chúng của đảng, thầy Phạm Minh Hoàng không xứng đáng là “tù nhân lương tâm”.
Nguồn: VNTB

Bông sen cho dư luận viên 
Nguyễn Thị Từ Huy

Dư luận viên: «cái tên còn một chút này»
Ý tưởng của bài viết này xuất phát từ một nỗi băn khoăn chung của mọi người, trong đó có tôi, trước việc đa số dư luận viên sử dụng bút danh chứ không dùng tên thật. Dĩ nhiên cũng có một số rất ít dư luận viên dùng tên thật, họ không phải là đối tượng của bài viết này.
Đã có các lý giải khác nhau về hiện tượng bút danh ở dư luận viên. Ở đây tôi cũng đưa ra một cách lý giải, và tôi nhìn hiện tượng này từ một góc độ tích cực. Trong thời điểm năm cũ sắp qua năm mới sắp tới, chắc không ai muốn đưa ra một cái nhìn u ám. Ngoài ra, tôi cũng muốn trở về với văn chương, là thứ mà tôi gắn bó từ hơn hai mươi năm nay, vì thế bài viết này nên được đọc bằng con mắt văn chương, bằng tinh thần văn chương, bởi người viết ra nó đang sống với tâm thế văn học.

Tôi nghĩ, việc các dư luận viên sử dụng bút danh là dấu hiệu cho thấy phần nhân tính vẫn được bảo tồn trong con người họ. Vì sao ?
Với các bài viết của mình họ không sợ bị trừng phạt, trái lại có khi còn được khen thưởng. Các bài viết của họ là công việc hợp pháp của họ. Họ càng đánh đông dẹp bắc thì họ càng được khuyến khích. Vậy vì sao phải dùng bút danh ?

Kiều nói : «chữ trinh còn một chút này». Tôi đoán các dư luận viên dùng bút danh nghĩ rằng : «cái tên còn một chút này». Nếu quả thật như vậy, tôi trân trọng suy nghĩ ấy của họ. Dù sao họ cũng biết trân trọng cái tên của họ. Cái tên mà bố mẹ đặt cho họ ngày họ ra đời với bao nhiêu kỳ vọng và yêu thương, cái tên mà bố mẹ họ muốn có thể tự hào, và cũng là cái tên mà họ muốn con cái, cháu chắt họ có thể tự hào về nó. Đồng thời họ cũng biết rằng họ không thể tự hào về các bài viết của họ, con cháu họ không thể tự hào khi đọc các bài viết của họ, do đó họ không ký tên thật dưới các bài viết đó.
Trong số các bộ phận cấu thành bộ máy đàn áp khổng lồ của chính quyền hiện nay, đàn áp tinh thần, đàn áp vật chất và đàn áp cơ thể vật lý, tôi cho rằng dư luận viên là bộ phận mang nhiều khổ tâm nhất. Bởi vì : do yêu cầu của công việc, họ phải tìm hiểu, họ phải đọc, và do đó dù muốn hay không họ tự bồi đắp kiến thức và sự hiểu biết. Chính sự hiểu biết này làm cho họ khổ tâm. Không ký tên thật cũng là một biểu hiện của nỗi khổ tâm ấy. Cá nhân tôi trân trọng nỗi khổ tâm của họ.

Nỗi khổ tâm của những dư luận viên tự nguyện biến mình thành vô danh này đáng cho ta tôn trọng gấp nhiều lần so với những vị giáo sư tiến sĩ dùng các bài viết của mình để tự làm hại tên tuổi và thanh danh của mình không một chút thương xót. Dư luận viên dùng bút danh có nghĩa là họ còn biết xót thương cho cái tên của họ, họ biết đánh giá công việc của họ, và họ biết đánh giá công việc của những người mà họ có nhiệm vụ phải « đánh ».

Nhân tính, sự hiểu biết của dư luận viên không chỉ biểu hiện ở việc dùng bút danh, mà còn biểu hiện trên nhiều yếu tố khác.
Chúng ta đôi khi có thể cảm thấy hơi khó chịu vì ngôn ngữ thô tục, thậm chí tục tĩu, khẩu khí chửi bới, đe dọa... của dư luận viên. Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn cười vì lập luận ngớ ngẩn, vì sự thể hiện nhiệt tình bảo vệ chế độ đến mức cuồng tín, bất chấp thực tế. 

Đôi khi chúng ta cảm thấy khó hiểu trước thứ ngôn ngữ chợ búa, khinh thường, kẻ cả của họ, họ dùng đại từ « thằng » để gọi những người đàn ông đáng kính, và dùng những từ như « con mụ », « mụ »... để gọi những người phụ nữ. Họ là những người có kiến thức, được đào tạo, những điều đó họ hoàn toàn có thể tránh được, vì sao họ chọn những cách đó chứ không phải cách khác ?

Tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để vừa làm công việc của họ và vừa vô hiệu hóa công việc đó. Đó là cách tốt nhất để họ cảnh tỉnh nhân dân và thầm lặng ủng hộ những người đang tranh đấu.
Chúng ta thử nghĩ xem, ở vị thế của họ, với sự đòi hỏi của công việc, họ không thể tỏ ra tán thành, hay ủng hộ những người dấn thân. Trái lại, công việc buộc họ phải chống lại những người này. Dĩ nhiên họ phải viết bài « đánh ». Vấn đề chỉ còn là họ « đánh » như thế nào, bằng cách nào ?

Quả thực là, loại ngôn ngữ tục tĩu, hỗn hào, cuồng tín đã trở thành một loại dấu hiệu để độc giả nhận ra họ. Chúng trở thành một loại mã ngôn ngữ giúp độc giả nhận ra ngay lập tức bóng dáng của dư luận viên ở sau bài viết để không mất thời gian cho bài viết đó, hoặc để xác định ngay mục đích của bài viết và có sự cảnh giác đối với nó. Bằng cách đó dư luận viên giúp độc giả tránh xa các bài viết của họ, mà cấp trên không thể chê trách được, bởi họ vẫn làm công việc hàng ngày.

Ngoài những mã ngôn ngữ đặc biệt như đã nêu ở trên, dư luận viên, mỗi khi cần lập luận đều sử dụng loại lập luận ngụy biện, và ngụy biện sao cho độc giả thấy rằng đó là ngụy biện. Và điều này cũng trở thành hệ thống, tức là trở thành dấu hiệu để nhận diện họ. 

Những dấu hiệu nhận diện này rất quan trọng, bởi một khi độc giả đã nhận ra dấu vết dư luận viên, họ tự khắc biết phải đối xử với bài viết như thế nào. Phải là những người rất thông minh thì mới có thể vừa làm việc vừa vô hiệu hóa việc làm của mình như vậy. 

Tại sao họ phải vô hiệu hóa công việc của họ ? Để hỗ trợ nhân dân và ủng hộ những người tranh đấu, chúng ta tạm đoán là như vậy. Bởi vì dư luận viên, về căn bản, đủ hiểu biết và đủ khả năng để nhận thức cái gì đúng, cái gì sai, cái gì đáng trọng và cái gì đáng khinh, họ cũng có đủ khả năng để tôn trọng chính họ, để không làm hại thanh danh của họ, vì thế mà đã không ký tên thật.

Ngoài ra dư luận viên có thể còn có những đóng góp quan trọng và cụ thể khác, mà chúng ta chưa nhìn thấy hết.

Ở đây tôi cố gắng phân tích một sự kiện để thấy được sự đóng góp của dư luận viên. Sự kiện bắt Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập.
Chúng ta biết rằng chủ trương bắt bớ và đàn áp là của chính quyền. Nhưng việc quyết định bắt ai trong giới blogger sẽ phải dựa vào tư vấn của dư luận viên (theo cách hiểu của tôi thì khái niệm dư luận viên bao gồm an ninh văn hóa, những người này làm nhiệm vụ định hướng cho các quyết định của chính quyền, và những người tham gia lên tiếng trên các diễn đàn báo chí chính thống cũng như báo chí mạng với nhiệm vụ định hướng dư luận cho dân chúng), bởi họ là những người theo dõi hàng ngày thế giới blog và nắm vững ai làm gì, viết gì, đăng gì...

Nếu quả thật có việc dư luận viên tư vấn cho chính quyền trong quyết định bắt giữ hai blogger lần này thì đấy là một đóng góp của họ cho phong trào dân chủ hóa đất nước, cho dù bản thân hai ông Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập phải chịu bất công. Bởi lẽ đó là một sự lựa chọn đầy bất ngờ, bất ngờ ở mấy khía cạnh : những người bị bắt đều là những người hiền lành, không có ý đồ chính trị, được nhiều người quý mến, bạn hữu khắp nơi, hai người này có thể xem là giống như hầu hết tất cả những người bình thường khác, và đồng thời đều đã lớn tuổi và đang mang bệnh.

Việc bắt họ đã tạo nên một cơn chấn động cho toàn xã hội, và nó giúp phơi bày bản chất của chính quyền trước dân chúng. Phơi bày bản chất của chính quyền theo cách này (trần trụi, không một lớp vải nào có thể che giấu nữa) chỉ có dư luận viên mới làm được, họ làm điều đó để cảnh tỉnh cho dân chúng, giúp dân chúng tước bỏ những ảo tưởng cuối cùng vào chính quyền.

Từ sau vụ bắt Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập, một cơn rùng mình ớn lạnh đang lan ra khắp nơi trên toàn đất nước, lan ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia. Đến mức tôi ngồi giữa mùa đông giá buốt Paris mà cũng cảm nhận được nỗi ớn lạnh chung của người Việt khắp nơi trên thế giới.
Có thể có hai khả năng :
1. Cơn rùng mình ớn lạnh tập thể này sẽ khiến toàn bộ dân tộc quỵ ngã.
2. Cơn rùng mình tập thể này sẽ biến thành một cơn sốt tập thể.
Khả năng nào sẽ xảy ra ?
Điều đó tùy thuộc vào việc dân tộc này còn giữ được truyền thống nhân văn của mình hay không (kết tinh trong gia tài văn hoá dân gian với những câu ca dao, tục ngữ : một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, lá lành đùm lá rách...).

Tùy thuộc vào việc dân tộc này còn giữ được bản lĩnh, khả năng kháng cự và khả năng bảo tồn dân tộc tính cũng như bảo tồn quốc gia của mình hay không (có rất nhiều dẫn chứng, ở đây chỉ dẫn hai câu nói của một phụ nữ và của một đàn ông : « Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ». Và : « Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc »).
Một dân tộc từng bị đô hộ 1000 năm, ra khỏi ách thống trị ngoại bang mà vẫn giữ được ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa riêng của mình, dân tộc đó sẽ không dễ dàng bị khuất phục. Lịch sử Việt Nam cho thấy rằng có thể có những người thuộc hàng vua chúa cam tâm bán nước nhưng những người dân không bao giờ chịu để mất giang sơn của mình.

Việc chính quyền liên tục tạo ra những cơn ớn lạnh tập thể như thế này chính là một sự thử thách cho bản lĩnh của cả một dân tộc, chứ không phải chỉ là thử thách bản lĩnh của một vài người.
Dư luận viên cũng hiểu điều này như tất cả chúng ta. Họ đang khiến cho chính quyền tạo nên những cơn ớn lạnh tập thể, điều cần thiết để dân tộc bừng tỉnh khỏi tình trạng chết lâm sàng đang duy trì cho đến tận lúc này.

Mặt khác, dư luận viên cũng để lại các dấu hiệu ngôn ngữ để chúng ta hiểu vấn đề. Chúng ta đừng trách họ, vị thế công việc của họ không cho phép họ làm khác, chúng ta hãy hiểu những dấu hiệu mà họ cố để lại cho chúng ta.

Ví dụ, cụm từ « theo tố giác của quần chúng » mà tôi đã có phân tích ở bài trước. Với cụm từ này, họ ra hiệu để chúng ta hiểu rằng đang có một ý chí quay trở lại thời cải cách ruộng đất. Ngoài ra, đồng thời với việc bắt hàng loạt blogger, họ viết hàng loạt bài đe dọa hàng loạt người, và cho công bố trên hàng loạt website mang tên những lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước. Chúng ta hãy hiểu điều họ đang muốn làm cho chúng ta, hãy nhìn những dấu hiệu mà họ đang cố tạo ra cho chúng ta thấy, để giúp đỡ chúng ta. Theo tôi, trong những loạt bài đe dọa này, chúng ta cần phải hiểu ít nhất hai điểm :
1. Dư luận viên giúp cho dân chúng thấy rõ đây là một đất nước không có luật pháp. Bởi lẽ trong một đất nước có luật pháp, không thể nào xảy ra việc đe dọa nặc danh như vậy được, vì sự đe dọa đó sẽ bị luật pháp trừng trị. Trong một đất nước có luật pháp sẽ không có một lãnh đạo nào cho phép người khác nhân danh mình để đe dọa công dân của mình. Bởi đe dọa công dân chính là làm tổn hại đến danh dự của lãnh đạo, đe dọa công dân chính là đe dọa công việc của lãnh đạo, bởi công việc của lãnh đạo là bảo vệ công dân, danh dự của lãnh đạo thể hiện ở chỗ có bảo vệ được công dân của mình hay không. Hơn nữa lãnh đạo cũng chịu sự phán xét của luật pháp. Như vậy, dư luận viên, theo cách của họ, đã góp phần giúp cho dân chúng hiểu rõ về tình trạng vô luật pháp của đất nước.

2. Bằng việc đe dọa bắt bớ hàng loạt người, dư luận viên cảnh báo cho chúng ta về nguy cơ của sự gia tăng đàn áp, điều đã khiến cho cá nhân tôi phải nghĩ tới viễn cảnh của một sự tái toàn trị hóa, quay trở về với thời kỳ toàn trị đẫm máu - khởi điểm của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô. Hơn nữa, trong danh sách bị đe dọa có những người đáng kính. Việc đe dọa một nhà văn, tác giả của sách giáo khoa, gọi ông là kẻ nọ kẻ kia... hẳn sẽ làm cho không chỉ bao nhiêu triệu học sinh phẫn nộ, mà còn cả bao nhiêu triệu người lớn cũng phẫn nộ, bởi họ biết rõ tác giả mà họ quý mến. Đấy chẳng phải là cách tốt nhất để gây bất bình và phẫn nộ trong dân chúng hay sao ? Phẫn nộ nối tiếp phẫn nộ. Đặt dân chúng vào trạng thái phẫn nộ, đấy chẳng phải là cách tốt nhất mà một người ở vị thế dư luận viên có thể giúp dân tộc mình, đồng bào mình, hay sao ?

Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome. Dư luận viên là những người đồng hành thầm lặng của quá trình dân chủ hóa đất nước. Có thể rồi sẽ có thêm nhiều dư luận viên quyết định trở thành những Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, những Tạ Phong Tần, những Phạm Chí Dũng.
Công việc của dư luận viên là một bãi sình lầy, và thẳm sâu trong họ, họ vẫn muốn giữ sự thanh khiết của tâm hồn, sự trong sạch và lương thiện, họ muốn rằng hương thơm của bông sen vẫn tỏa ngát giữa bùn nhơ.

Các anh chị dư luận viên thân mến, vì thế, bài viết này được viết ra với mong muốn trao lại các anh chị một bông sen. Bông sen ấy tôi không hái giữa đầm sen, tôi cũng không lấy xuống từ niết bàn của Phật, bông sen ấy tôi lấy ra từ trong tâm hồn của các anh chị, và xin đặt nó trở lại trong tâm hồn anh chị. Hãy để nó tỏa hương cho con cháu của anh chị, cho bố mẹ của anh chị, cho chính anh chị, và cho cả chúng tôi.

Nhân dịp lễ Giáng Sinh của những người theo đạo Thiên Chúa, tôi mượn một câu chúc của họ để chúc các anh chị dư luận viên: Chúa ở cùng các anh chị.
Chuá ở cùng những người đang trong tù ngục.
Chúa ở cùng chúng ta.
19/12/2014
Mùa Giáng Sinh Paris
Nguyễn Thị Từ Huy
nguồn: http://www.rfavietnam.com/


No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts