Hiệp đầu "tín nhiệm 50" trong bàn cờ tranh chấp quyền
lực của nội bộ đảng CSVN
Vũ Đông Hà (Danlambao) -
Sau bao nhiêu chuyện tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa vừa, tín nhiệm thấp, phiếu
kín, họp kín đổi thành phiếu kính họp hở, cuối cùng thì ngày... ấy đã đến. 50
đảng viên cao cấp được đưa lên bàn mổ-mà-không-xẻ để cùng nhau tín nhiệm
cao-vừa-thấp, mở màn cho cuộc tranh giành quyền lực gay gắt kéo dài từ bây giờ
cho đến kỳ đại hội xếp ghế quyền lực thứ XII của đảng vào giữa năm 2016.
Trong danh sách 50 này có 8 người từ Bộ Chính trị của đảng được đem
ra để bỏ phiếu tín nhiệm cao-vừa-thấp. Đó là:
1. Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước
2. Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ
3. Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ
4. Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội
5. Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội
6. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội
7. Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
8. Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ chính trị có 16 người, một nửa được đảng thu xếp ngồi vào những
ghế đứng đầu những bộ phận quan trọng chi phối toàn bộ sinh hoạt chính trị của
đất nước. Chủ tịch nước: có Sang. Thủ tướng: có Dũng; Dũng có mệnh hệ gì thì
Phúc lên thay. Quốc hội: Có Hùng; Nếu Hùng đột tử thì có Phóng, có Ngân. Tàu
cộng xâm lược thì có Thanh sang Bắc Kinh để được "bạn" tiếp đón trọng
thị. Nhân dân yêu nước chống Tàu cộng xâm lược thì đã có Quang cùm đầu.
Còn lại trong BCT là: Nguyễn Phú Trọng (TBT), Lê Hồng Anh (thường
trực Ban Bí thư kiêm Đặc phái viên của TBT đi sứ sang Tàu), Phạm Quang Nghị -
Bí thư Hà Nội), Lê Thanh Hải (Bí thư Thành Hồ), Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tổ chức
Trung ương), Ngô Văn Dụ (Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương), Đinh Thế Huynh
(Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương), Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Mặt trận Tổ
quốc).
Điểm đáng lưu ý là có đến 3 thành viên BCT nằm trong Quốc Hội:
Hùng, Phóng, Ngân. Điều này cho thấy các phe phái đã dự phóng trước Quốc hội sẽ
là chiến trường sôi động trong cuộc chiến giành quyền lực của nội bộ đảng. Đó
là nơi mà cán bộ đảng từ chỗ có quyền bước sang chỗ có-quyền-lẫn-có-tiền qua
việc được "cơ cấu" vào chiếc ghế đẻ ra những đại dự án và xât dựng bè
phái. Bỏ phiếu tín nhiệm, do đó, là hiệp đầu nhưng quan trọng. Kết quả quyền
lực trong đại hội đảng 2016, hiện tượng bỏ phe này, gia nhập phe kia, gió chiều
nào ta theo chiều đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào kết quả của những hiệp đầu đấm
đá này.
I. Những gì đã xảy ra
trước hiệp đầu bỏ phiếu tín nhiệm?
1. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng
6.10. 2014. Nguyễn Phú Trọng ra quân. Nguyễn
Phú Trọng đánh hồi kẻng báo hiệu mở đầu cho cuộc so găng giữa các thế lực quyền
và tiền của đảng với tuyên bố chống tham nhũng nhưng đánh chuột phải giữ bình (1).
Dư luận chế diễu những phát ngôn có vẻ "lú" và "lẫn" của
ông ta nhưng thật ra Nguyễn Phú Trọng đã gửi một thông điệp chính trị rõ ràng
cho toàn đảng: tấn công
phe cánh Nguyễn Tấn Dũng nhưng không làm tổn hại đến đảng.
Thông điệp này được gửi ra sau khi Nguyễn Phú Trọng cử "đặc
phái viên" Lê Hồng Anh sang Bắc Kinh vào cuối tháng 8 để tiếp kiến Tập Cận
Bình, người cũng đang ráo riết thực hiện chiến dịch "đả hổ diệt ruồi"
với bình chuột made in China. (2)
Thông điệp đánh chuột nhưng phải giữ bình chính
là "luật chơi" mà
người đứng đầu đảng định ra cho toàn đảng. Hiệp đầu của "cuộc chơi"
này tại võ đài quốc hội không nằm ngoài "luật chơi" ấy. Chỉ được có
phiếu tín nhiệm cao, tín
nhiệm, tín nhiệm thấp nhưng không thể có chuyện bất tín nhiệm.
9.10.2014. Nguyễn Sinh
Hùng xuất chiêu: Chỉ 3 ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng bắn
pháo lệnh lẫn luật chơi, Nguyễn Sinh Hùng tiếp nối bằng cách dùng diễn đàn của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tấn công Nguyễn Tấn Dũng, nhồi sóng dư luận và tạo
động lựợng chuẩn bị cho hiệp "bỏ phiếu tín nhiệm" trong trận đấu
nhiều hiệp kéo dài cho đến đại hội đảng 2016.
Tại buổi làm việc này, người đứng đầu ngành Lập pháp đã tấn công
kẻ đứng đầu phía Hành pháp: ...Dù bối cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng ngân sách nhà nước
(NSNN) vẫn tăng thu ấn tượng với con số 52.000 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm...
Làm được đồng nào xài hết đồng đó; chi thường xuyên tăng liên tục rồi lại phải
vay nợ, phát hành trái phiếu để đảo nợ; thậm chí hết cả tiền để chi tăng
lương...(3)
24.10.2014. Nguyễn Tấn
Dũng phản pháo: Sau cú đấm xuất chiêu của Nguyễn Sinh
Hùng, ngay lập tức một cán bộ từng lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhiều năm đã
gửi một bài viết đến Danlambao (4)
tố cáo Nguyễn Sinh Hùng, cho biết rằng Hùng đã đặt vấn đề với nguyên TBT Lê Khả
Phiêu trong việc ủng hộ Hùng đắc cử vào chức vụ Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư
trong lần đại hội đảng kỳ tới, đồng thời Nguyễn Sinh Hùng cũng đã thảo luận với
Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang về những "tin xấu" về kinh tế do
Nguyễn Tấn Dũng trách nhiệm.
Cũng theo lời tố cáo của cán bộ cao cấp này thì Phó Chủ tịch Quốc
Hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người đứng về phe Nguyễn Sinh Hùng. Ngược lại, những
người mà Hùng xem là thuộc cánh Nguyễn Tấn Dũng cần phải tấn công là Bộ trưởng
Công an Trần Đại Quang, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Tài
chính Đinh Tiến Dũng.
Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Hùng chưa kịp tấn công Trần Đại Quang thì
vào ngày 24 tháng 10, 2014, Bộ Công an đã ra lệnh bắt giam Hà Văn Thắm, chủ
tịch Ocean Bank, tức Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương. Hà Văn Thắm là
người giàu thứ 9 trên thị trường chứng khoán và là đàn em thân tín của Nguyễn
Sinh Hùng. (5)
Hiệp đồng tác chiến với Trần Đại Quang, Nguyễn Văn Bình cũng ngay
lập tức phát đi thông cáo Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện một số vi phạm pháp
luật nghiêm trọng của Hà Văn Thắm và đình chỉ công tác, chức vụ chủ tịch, thành
viên Hội đồng quản trị ngân hàng đối với Hà Văn Thắm.
Trên mạng, một clip ghi âm đối thoại của Hà Văn Thắm được phổ biến
trong đó Thắm kể chuyện Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Thắm thực hiện mưu đồ thâu tóm
Ngân hàng Bảo Việt và Thắm chỉ trích Nguyễn Sinh Hùng vì quá “điên cuồng” đã
làm hỏng kế hoạch thâu tóm này. (6)
Bên cạnh đó một trang web mang tên "Chủ tịch Quốc hội" (7) được thiết lập vào
cuối tháng 10, 2014 với các bài viết tập trung tấn công Nguyễn Sinh Hùng và em
gái ruột của ông ta là Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc
và Xây dựng SSG.
2. Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang sang Tàu
Trong khi Trọng, Hùng, Dũng so găng thì Thanh và Quang thu xếp để
sang Tàu.
16.10.2014. Phùng Quang
Thanh cùng 13 tướng tùy tùng đi sứ Bắc Kinh. Tại
đây ông ta được "bạn đón tiếp ta
rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị..." và
trước sau như một người nắm đầu QĐND xem và gọi Bắc Kinh xâm lược là bạn, đồng
ý với quân xâm lược về "hiện trạng" Biển Đông và chấp nhận việc Tàu
cộng khai thác, xây dựng căn cứ "nhiều hơn" Việt Nam và các nước khác
là chuyện bình thường. (8)
Lý do giải thích cho thái độ khòm lưng bán nước này của Phùng
Quang Thanh là mục tiêu tìm kiếm sự đỡ đầu, che chở của quan thầy Bắc Kinh
trước cuộc sinh sát nội bộ đang diễn ra và sẽ tiếp tục kéo dài tại Ba Đình.
Sau khi đi sứ về, Phùng Quang Thanh đã bị phe Nguyễn Tấn Dũng dùng
diễn đàn Quốc hội vào ngày 4.11.2014 và truyền thông lề đảng để tấn công việc
ông ta đã lạm quyền, sử dụng hàng ngàn lô đất quanh sân bay Tân Sơn Nhất để cắt
ra bán, thuê và xây dựng các sân golf (9).
Cần nhắc lại, vào tháng 4, 2014, Phùng Quang Thanh đã lộ thái độ đứng vào phe
đối đầu với phía Nguyễn Tấn Dũng khi ông ta đặt vấn đề việc Nguyễn Tấn Dũng
phong tướng quá nhiều cho ngành công an, và mới đây đã ra sức thuyết phục Quốc
hội chấp nhận việc phong thêm tướng cho phía Quân Đội nhằm giúp ông ta củng cố
thêm vây cánh.
26.10.2014. Trần Đại
Quang đi sứ. 10 ngày sau chuyến đi của Phùng Quang Thanh, Bộ
trưởng công an Trần Đại Quang cũng bay sang Tàu đầu khấu. Theo thông tin chính
thức thì mục tiêu của chuyến đi là để đồng chủ trì Hội nghị hợp tác phòng,
chống tội phạm lần thứ 4 giữa Bộ Công an hai nước. (10)
Tuy nhiên, cho đến khi Quang đã hội kiến với ủy viên bộ chính trị Trung Quốc là
ông Mạnh Kiến Trụ thì truyền thông lề đảng mới đăng tin cho thấy đây là một
chuyến đi "đặc biệt" có nhiều mục tiêu khác trong bối cảnh đấu đá nội
bộ và sau khi phía Quân Đội sang khấu đầu Bắc Kinh.
Từ Quân Đội đến Công An, phe này hoặc phái kia, tất cả đều chạy
sang Tàu tìm gậy để chống và tấn công nhau.
II. Trở lại danh sách
"tín nhiệm 50"
Sau khi tóm tắt những cuộc thư hùng trước hồi tín nhiệm, chúng ta
thấy gì khi nhìn lại danh sách 50 người được tín nhiệm cao-vừa-thấp?
Xác xuất là tại diễn đàn Quốc Hội, sân chơi của Nguyễn Sinh Hùng,
thì phần thắng thế có thể nghiên về phía Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng,
Nguyễn Tấn Sang, Phùng Quang Thanh. Mức độ tín nhiệm dành cho Trương Tấn Sang,
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Sinh Hùng, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị
Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang sẽ định hình cho mối tương quan
quyền lực trong Bộ Chính trị và tầm ảnh hưởng của mỗi phe lên các đảng viên
trong Quốc Hội cũng như trong Trung ương đảng trong 1 năm rưởi tới.
Bên cạnh 8 thành viên BCT, trong danh sách 50 người có 15 đảng viên nắm giữ những chức vụ trong Quốc hội.
1. Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội
2. Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội
3. Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội
4. Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội
5. Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
6. Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội
7. Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
8. Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
9. Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội
10. Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
11. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
12. Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội
13. Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
14. Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
15. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Mức độ tín nhiệm đối với những thành viên này cũng sẽ ảnh hưởng đến tầm thao túng của Nguyễn Sinh Hùng trong bộ phận mà ông ta đang làm Chủ tịch.
Phía các đảng viên đang nắm những chức vụ trong chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng gồm 23 người:
1. Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ
2. Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng Chính phủ
3. Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao
4. Vũ Văn Ninh, Phó thủ tướng Chính phủ
5. Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
6. Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ
7. Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
8. Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã
hội
9. Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
10. Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
11. Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính
12. Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương
13. Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
14. Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
15. Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
16. Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
17. Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
18. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
19. Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
20. Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
21. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế
22. Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ
23. Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Còn lại sau cùng trong danh sách là Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa
án Nhân dân Tối cao, Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối
cao; Nguyễn Hữu Vạn, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Kết quả phiếu tín nhiệm cao, vừa, thấp vào chiều 15 tháng 10, 2014
đối với 23 đảng viên nằm trong các bộ phận Hành Pháp sẽ là thước đo về mức độ
mênh mông tình đảng của những ĐBQH đối với Nguyễn Tấn Dũng như thế nào.
III. Kết luận
Thế nào... đi nữa thì việc đấu đá tranh giành quyền lực trong đảng
không có gì mới. Ở một đất nước mà khẩu hiệu nhà nước của nhân dân, do nhân dân
và vì nhân dân được luôn luôn đem ra để đánh bóng chế độ, người ta không thấy
bóng dáng, tiếng nói của người dân trong lá phiếu chính trị về sự tín nhiệm
này. Đó là chưa nói đến giờ cuối mới có sự thay đổi về quyết định họp kín, cấm
truyền thông báo chí tham dự.
Với điều 4 hiến pháp cho phép đảng CSVN tự tung tự tác, kết quả
sau cùng của mọi sự tranh chấp quyền lực là một thành phần lãnh đạo ma mãnh
hơn, gian ác hơn, thâm độc hơn. Đó là thành phần đã được "lọc lựa" và
"sống còn" sau một cuộc chiến với nhiều âm mưu, nhiều thủ đoạn. Tiến
trình đấu đá nội bộ đảng cũng sẽ làm nhiều tấm lưng đã cong lại càng cong thêm
khi đối diện với những đe doạ chính trị đã bằng mọi cách đi tìm kiếm sự đỡ đầu
của quan thầy Bắc Kinh, cho dù phải trả bằng những cái giá lớn - những cái giá
không phải là của họ mà là của đất nước Việt Nam.
______________________________________
(2) vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/uy-vien-bo-chinh-tri-le-hong-anh-bat-dau-tham-trung-quoc-3036792.html
(3) thanhnien.com.vn/pages/20141010/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-sinh-hung-cu-an-het-thi-lay-gi-ma-tieu.aspx
(3) thanhnien.com.vn/pages/20141010/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-sinh-hung-cu-an-het-thi-lay-gi-ma-tieu.aspx
(9) dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-quoc-phong-ly-giai-san-golf-trong-san-bay-991142.htm
(10) Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm và làm việc tại Trung Quốc
(10) Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm và làm việc tại Trung Quốc
No comments:
Post a Comment
Thanks