Đại Học chăn Trâu




Tuesday, 11 November 2014

GIỚI THIỆU CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM

 

GIỚI THIỆU CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM

Trần Quý Cao

Không nghi ngờ gì nữa, “Chính đề Việt Nam” là sản phẩm của một trí tuệ kiệt xuất, nhìn xa trông rộng và đầy tính chất tiên tri. Nếu thực sự cầu thị các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hãy đọc kỹ tác phẩm này, nếu các vị chỉ học mót được, dù chỉ vài điều trong cuốn sách này thì chắc chắn tình hình đất nước đã sáng sủa hơn nhiều. “Lúc gặp thời kẻ hàng thịt anh câu cá cũng làm nên công cán. Lúc không gặp thời kẻ anh hùng cũng đành nuốt hận” – Đặng Dung. Vâng, thật tiếc cho anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã không gặp thời nên đành nuốt hận.
Bauxite Việt Nam
Lời nói đầu…

Gia đình tôi có một căn nhà mặt tiền đường Lê Văn Duyệt (nay đổi tên là Cách mạng Tháng 8) gần ngã tư với đường Phan Thanh Giản (nay đổi tên là Điện Biên Phủ). Một buổi chiều kia, khi còn học tiểu học, tôi được thấy Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc bộ veston màu trắng đứng trên chiếc xe hơi màu đỏ chạy chậm chậm ngang qua nhà tôi, vẫy tay chào đám đông hai bên đường.

Một lần nọ, mẹ tôi, là công chức trung cấp tòng sự tại Bộ Y Tế Sài Gòn, nằm đu đưa trên võng nói với dì tôi rằng:
“Đời của chị, không có ai bắt chị lăn, bò dưới đất được ngoại trừ bà Nhu”. Ấy là lúc mẹ tôi nói về phong trào Thanh Nữ Cộng Hòa của bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông cố vấn Ngô Đình Nhu.

“Ai mà như bả, cấm dân hút thuốc phiện mà mua riêng cho chồng hút”. Không biết mẹ tôi biết rõ sự thật hay chỉ nói theo những lời rỉ tai ngoài xã hội, nhưng rõ ràng đó là giọng nói không ưa bà Nhu.

Lớn hơn một chút, tôi tình cờ nghe một người khách của ba tôi nói:
“Tay này khó chơi, hiểm độc lắm nghe. Chính sách Ấp chiến lược của chả gây cho mình tổn thất bao nhiêu là cán bộ!”. Sau này tôi mới biết người đàn ông đó là ông Chín Hương, một cán bộ cộng sản thâm niên đi công tác thành. Ông đang đề cập tới ông Ngô Đình Nhu.
Khi ngọn lửa tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức bùng lên và bước chân các đoàn biểu tình ồn ào băng ngang cửa nhà, một buổi sáng tôi đọc trên báo thấy danh sách của Hội đồng Quân nhân cách mạng, và hôm sau nữa thấy hình thi thể hai anh em ông Diệm ông Nhu.
Mẹ tôi nói: “Ác quá, sao không để hai ông đi lưu vong như Lý Thừa Vãn? Tội nghiệp bà Nhu! Mấy ông tướng Việt Nam mình dã man hơn bên Đại Hàn!”

Thời cuộc như trôi nhanh hơn sau cuộc đảo chánh 1963, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tết Mậu thân, mùa hè đỏ lửa, cổ thành Quảng Trị, hải chiến Hoàng Sa, trận chiến Phước Long, tháng 4/75, chiến tranh biên giới Tây-Nam, chiến tranh biên giới miền Bắc… các sự kiện lịch sử lớn cứ tiếp nối cách nhau một hay vài năm… Cho tới khi ra nước ngoài, có dịp nói chuyện với các ông Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Biểu Tâm… tôi mới có dịp tổng hợp một chút những kiến thức về Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em cố vấn Ngô Đình Nhu của ông.

Các kiến thức này cho thấy những cách nhìn, cách cảm nhận về ông Nhu tương đối thống nhất: ông Nhu là người làm việc tận tụy và nghiêm túc, có tinh thần kỷ luật cao nhưng sẵn sàng phá cách nếu thấy cần thiết, quyết đoán và tham vọng với mục tiêu rõ ràng, khó tính khi làm việc nên được cảm nhận là khó chịu, có tính xét nét chi tiết một cách tinh tường nên được cảm nhận là đa nghi… Nói chung người ta không ưa ông Nhu, sợ ông Nhu và phục ông Nhu.

Từng nghe tiếng ông Ngô Đình Nhu là nhà tư tưởng, nhà lý luận của nền Đệ nhất Cộng hòa, người xướng lên thuyết NHÂN VỊ, nhà lý luận của chính sách và kế hoạch Ấp chiến lược, tác giả của tài liệu huấn luyện chính trị cho miền Nam: CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM. Do đó, cách đây khoảng 5 năm, khi bắt gặp tài liệu CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM, tôi đọc đi đọc lại. Từ 5 năm nay, các biến cố lại dồn dập xảy ra với Việt Nam, và mỗi lần một biến cố xảy ra, khi so sánh biến cố đó với những gì được đề cập và dự đoán trong CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM tôi lại thấy sự trùng hợp đáng kinh ngạc.

Tình hình nước Việt Nam trong vòng 5 năm nay gần như tập trung vào 2 câu hỏi chính:
Câu hỏi 1: làm sao mở rộng Dân chủ cho đất nước, mà mục tiêu và biện pháp là bảo vệ các quyền căn bản của người dân: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, lập đảng, tự do ứng cử và bầu cử… Nói chung là làm sao thiết lập trên đất nước ta một chính thể Tự do, Dân chủ, Pháp trị?

Câu hỏi 2: làm sao đất nước độc lập thật sự chứ không lệ thuộc vào Trung Quốc?

Đây cũng là hai ý chánh mà ông Ngô Đình Nhu thảo luận kỹ lưỡng trong quyển CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM (1).

Quyển CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM (theo tài liệu của trang Dân Luận), nếu viết bằng kiểu chữ Verdana, cỡ chữ 12, có 224 trang, được chia làm 6 phần:

Bối cảnh (22 trang)
Chương 1 – Nhận Định về Thế Giới (76 trang)
Chương 2 – Vị Trí của Việt Nam Trong Khung Cảnh Thế Giới (52 trang)
Chương 3 – Điều Kiện Nội Bộ (52 trang)
Chương 4 – Một Lập Trường Thích Hợp Với Các Nhận Định Trên (67 trang)
Kết Luận (7 trang)
Quyển sách khá dài, lại được viết bằng văn phong cách nay gần 60 năm. Tôi xin giới thiệu bằng cách tóm tắt quyển sách theo tinh thần: 1) Cô đọng và giản lược mà vẫn giữ trọn các ý chánh của tác giả, và b) Giữ nguyên văn của tác giả càng nhiều càng tốt.
Trong 40 trang Giới thiệu này, có tính luôn 3 trang Lời nói đầu và hơn 1 trang Tài liệu đọc thêm, bạn đọc sẽ thấy:

1) Nguyên văn của tác giả được viết bằng kiểu chữ Verdana, cỡ chữ 12.
2) Những đoạn quá dài mà không chứa ý chính hay những nơi chuyển ý được được tóm tắt bằng văn phong của người giới thiệu và được viết bằng kiểu chữ Arial, cỡ chữ 12.
3) Những nơi cần thiết sẽ có FootNote để giải thích hay bình chú bởi người giới thiệu. Các FootNotes được viết bằng kiểu chữ Arial, cỡ chữ 12.

Gần đây nhóm Thông Luận cho rằng tác giả CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM không phải là ông Ngô Đình Nhu mà là ông Lê Văn Đồng, một người quen biết với ông Nhu. Không phải là nhà sử học, tôi không có điều kiện để biết rõ đâu là sự thật. Vì vậy, trước khi đọc được nhiều khảo cứu có tính thuyết phục hơn, tôi xin được vẫn tin rằng tác giả là ông Ngô Đình Nhu. Xin cám ơn ông đã cho tôi sự thích thú vì độ rộng của kiến thức được tổng hợp, độ xa của tầm nhìn, và cảm giác tổng quát là sự thỏa mãn cao quí đầy tính tri thức (intellectual satisfaction).

Từ sau năm 1945 tới nay, dân tộc Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều, càng lùi xa năm 1945, ta càng lùi xa các lân bang về nhiều mặt xét trên các tiêu chuẩn chung của nền văn minh hiện đại. Nước ta như con lươn quằn quại trong vũng lầy ô nhiễm của tôn sùng cá nhân, tôn thờ chủ thuyết, chém giết hận thù, độc tài toàn trị… Càng muốn thoát ra thì lại càng lún sâu!
Cho nên, xin quí độc giả đừng nghĩ rằng tập giới thiệu này nhằm suy tôn một cá nhân, một chế độ hay nhằm khêu gợi hận thù. Mọi việc đã trôi qua, giờ đây không còn chỗ cho hận thù, tranh giành cá nhân hay đảng phái, vì công cuộc chấn hưng tổ quốc rộng lớn và đầy thách thức đang chờ tất cả những người dân Việt.

Mục tiêu chánh của tập giới thiệu này là:
1) So sánh những gì Chính Đề viết cách nay 55 năm với những gì đã và đang xảy ra từ khi đất nước thống nhất hoàn toàn năm 1975.

2) Từ đó, rút ra những bài học có thể áp dụng cho nước Việt Nam hôm nay
Là kẻ hậu sinh, kiến thức rất có hạn, người giới thiệu mong các nhân chứng của thời đại, các nhà sử học, chính trị học, các người có quan tâm tới đề tài… góp ý kiến chỉ giáo.
Xin trân trọng cám ơn quí độc giả,

Sydney, tháng 8/1913 – Hà Nội, tháng 7/1914

Trần Quý Cao
CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM
BỐI CẢNH CỦA VẤN ĐỀ
Nước Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.
Trong suốt phần lịch sử nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.

Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa dân tộc Việt Nam.

Để duy trì ách thống trị của mình, các cường quốc xâm lăng thường áp dụng, đối với các dân tộc bị trị, nhiều biện pháp, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng chung qui vẫn thuộc hai loại chính:
1) Ngăn ngừa không để các quyền lợi kinh tế thuộc vào tay người bản xứ.
2) Kiềm hãm không để cho dân trí phát triển.
Các loại biện pháp thứ nhứt nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các phương tiện vật chất của người bị trị.

Các loại biện pháp thứ hai nhằm mục đích tiêu diệt những người có khả năng sử dụng các phương tiện vật chất trên, nghĩa là các nhà lãnh đạo xứng danh.
Đối với các dân tộc bị trị hai loại biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện của mình thì còn có thể tìm phương tiện khác, chớ nếu không có người lãnh đạo, thì dù có phương tiện cũng không sử dụng được.
Vì vậy cho nên, đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhứt và điều kiện thiết yếu nhứt để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.

Sự lãnh đạo của đất nước được nuôi dưỡng theo cách nào? Cần biết trong một cộng đồng, một xã hội luôn luôn có một số nhỏ người lãnh đạo và một số rất đông người được lãnh đạo.

Nhóm thiểu số những người lãnh đạo phải là những người:
1. có đạo đức (có “Nhân” theo cổ nhân)
2. có đủ khả năng vật chất, lý trí và tinh thần để ứng phó với các tình thế (có “Dũng” và có “Lược” theo cổ nhân)
3. thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của tập thể (có “Trí” theo cổ nhân)
Các đặc tính Nhân, Dũng, Lược đều cần thiết cho người lãnh đạo. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng đặc tính “Trí” là quan trọng nhất vì “Trí” nghĩa là thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, là một điều kiện khách quan. Bởi vì sự thấu triệt vấn đề chỉ có thể được thực hiện bằng cách sưu tầm, khảo cứu, phân tích, lĩnh hội, quan sát và tổng kết những tài liệu bên ngoài liên quan đến vấn đề. Không có tài liệu bên ngoài thì một bộ óc dù thông minh xuất chúng, cũng không làm sao hiểu được vấn đề.

Nhóm đa số những người được lãnh đạo:
Cần nói rõ rằng trong xã hội luôn có mâu thuẫn giữa cá nhân và cộng đồng, bởi vì:
Lý do của cuộc sống là lý do cá nhân. Mà điều kiện của cuộc sống là điều kiện cộng đồng.
Trong thực tế, sự mâu thuẫn giữa hai quyền lợi, cộng đồng và cá nhân, sẽ biến hình thành sự mâu thuẫn giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo. Do đó luôn có sự mâu thuẫn giữa một bên là các người lãnh đạo, chính quyền và một bên là dân chúng ([1]).
Cộng đồng lành mạnh khi nào giữa nhóm thiểu số lãnh đạo và nhóm đa số chịu sự lãnh đạo, sự thông cảm chạy đều, dẫn dắt đến một sự phối hợp hữu hiệu trong mọi công cuộc của cộng đồng.

Nếu chính quyền không thấu triệt các vấn đề, các yêu cầu của cộng đồng thì:
Sự mâu thuẫn trở thành cực kỳ trầm trọng. Trạng thái điều hòa rất khó thực hiện và sự tan vỡ của cộng đồng có thể đến bất cứ lúc nào ([2]).

Vậy điều kiện thiết yếu để một cộng đồng phát triển theo hướng tiến bộ phải bao gồm:
a) Người lãnh đạo/chính quyền phải hiểu biết thấu đáo các vấn đề phát triển của cộng đồng phù hợp với thời đại.

b) Người được lãnh đạo (dân chúng) phải ý thức cộng đồng quốc gia và hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.Đây là lợi khí sắc bén nhất để cho một quốc gia nhỏ và yếu như chúng ta chống lại nạn ngoại xâm.
Các trường hợp đã phân tích trên đây chứng minh rằng sự nhóm đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng hàm chứa nhiều hậu quả ích lợi thiết yếu cho cộng đồng quốc gia.

Và điều này mặc nhiên sẽ đưa đến sự nhóm đa số chịu lãnh đạo tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào chính sự của cộng đồng.

Và nếu chúng ta lại nhìn nhận rằng, sự nhóm đa số chịu lãnh đạo tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào chính sự của cộng đồng là bản chất của tinh thần dân chủ, thì các điểm sau đây lại được sáng tỏ:
a) Chỉ có sự tôn trọng tinh thần dân chủ mới là một lợi khí sắc bén nhứt để cho một nước nhỏ và yếu như nước chúng ta chống lại ngoại xâm
b) Phát huy sự hiểu biết của nhóm đa số chịu lãnh đạo đối với vấn đề cần phải giải quyết của quốc gia là góp phần tích cực nhất vào công cuộc xây dựng và củng cố tinh thần dân tộc ([3]).

ĐỐI TƯỢNG CỦA QUYỂN CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM
Ta đã thấy: Vấn Đề Cần Phải Giải Quyết Của Cộng Đồng cần phải được thấu triệt bởi nhóm thiểu số lãnh đạo (chính quyền) và được hiểu biết bởi nhóm đa số chịu lãnh đạo (dân chúng).

Đối tượng của quyển sách này là tìm xem vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng Quốc Gia Việt Nam trong thời kỳ này của cộng đồng là vấn đề gì.

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM – PHẦN I
NHẬN ĐỊNH VỀ THẾ GIỚI – Lĩnh Vực Chính Trị
Hiện nay trong lĩnh vực chính trị, thế giới chia làm hai khối rõ rệt: một bên là khối tự do, một bên là khối Cộng Sản ([4]). Lý do của tình trạng đó là sự khác biệt giữa hai khối do hai quan niệm khác nhau về phương pháp lãnh đạo.

Hai bên đều tuyên bố mục đích tối hậu của mình là mưu hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, để đạt mục đích đó, khối Tự Do chủ trương khắc phục cho được sự tự ý tham gia của quần chúng vào công cuộc xây dựng hạnh phúc đó. Trái lại khối Cộng Sản chủ trương một sự tham gia cưỡng bách.

Hai quan niệm đều có ưu và khuyết điểm. Sự chọn lựa một trong hai quan niệm trên không căn cứ trên các ưu và khuyết điểm ấy mà lại do những hoàn cảnh lịch sử, mà chúng ta sẽ thấy.

Nay chỉ cần biết rằng sự khác biệt giữa hai quan niệm ấy đã dẫn dắt đến các sự khác biệt về lý thuyết chính trị, về bộ máy chính phủ, về hệ thống kinh tế và về quyền sở hữu.
Dưới đây chúng ta sẽ xem xét lý do phức tạp của sự hình thành hai hệ thống nói trên.

Văn minh Tây phương chinh phục thế giới
Cách đây khoảng 600 năm, các quốc gia trên thế giới có thể được xếp vào các khối quốc gia như được liệt kê dưới đây:
a) Khối các quốc gia Tây phương (châu Âu)
b) Khối các quốc gia Hồi giáo (gồm cả các nước Bắc Phi)
c) Khối các quốc gia ở phía Đông Đại lục Âu Á: Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa, Việt Nam
d) Khối các quốc gia Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai, Nam Dương
Các khối quốc gia này có giao thương với nhau thì cũng độc lập với nhau, và trình độ kỹ thuật, sức mạnh quân sự… cũng không chênh lệch mấy.

Nhờ thừa hưởng nền văn hóa Hy-La có nền tảng của sự phân tích duy lý và chính xác, các quốc gia Tây phương đã xây dựng nên một nền khoa học và kỹ thuật tân tiến, vượt xa các khối quốc gia còn lại và khiến Tây phương hùng mạnh hơn hẳn các quốc gia còn lại.
Từ đó bắt đầu sự chinh phục và xâm chiếm của phương Tây đối với phần còn lại của thế giới. Thế kỷ 16: khối Hồi giáo; Thế kỷ 17-18: khối Ấn Độ; Thế kỷ 19: khối Đông Á lần lượt trở thành thuộc địa hay bán thuộc địa.

Và, từ đó tới nay, một kinh nghiệm, một bài học được đặt ra là: các quốc gia trên thế giới muốn phát triển để tồn tại phải học theo khoa học và kỹ thuật phương Tây. Không chỉ học các thành quả khoa học kỹ thuật của họ, mà cần học cái phương pháp, cái tinh thần đã giúp họ sáng tác nên các thành quả khoa học kỹ thuật.

Việt Nam ta không thể nằm ngoài kinh nghiệm nói trên. Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ xét xem Việt Nam ta sẽ Tây phương hóa như thế nào, và việc Tây phương hóa đó có hại gì cho tinh thần dân tộc hay không.

Vấn đề Cộng Sản.
Từ đầu của thế kỷ XX, lý thuyết Cộng Sản đã làm chấn động xã hội Tây phương. Sau đó lý thuyết Cộng Sản đã trụ đóng và phát triển ở Nga. Và ngày nay lý thuyết Cộng Sản đang hoành hành ở Á Châu và đang đe dọa Nam Mỹ ([5]). Nhưng ở mỗi nơi lý thuyết Cộng Sản được tiếp nhận bởi những lý do khác nhau và được giải thích theo một lối thích nghi với hoàn cảnh địa phương. Cộng Sản Âu Châu, Cộng Sản Nga, Cộng Sản Tàu khác nhau dù đều là Cộng Sản. Các sự kiện lịch sử dưới đây sẽ giải thích vẻ phức tạp mới xem qua đó.

Cộng Sản ở Tây phương
Khoa học kĩ thuật Tây phương tiến triển quá nhanh so với cơ cấu xã hội, do đó tạo ra các xáo trộn xã hội. Cuối thế kỉ 19, kĩ nghệ Tây Âu rất phát triển tạo nên một tầng lớp tư sản nắm tư bản và máy móc sản xuất tối tân, cũng tạo nên tầng lớp thợ thuyền đông đảo và cùng khổ do việc phân phối tài sản xã hội không đồng đều.

Các-Mác, triết gia và kinh tế gia, nhận thấy nguyên nhân chính của sự việc trên nằm ở lực lượng sản xuất không phù hợp với quan hệ sản xuất nên đề nghị thành lập một xã hội mới công bằng hơn bằng một cuộc cách mạng toàn diện và triệt để.
Như vậy, thuyết Cộng Sản là một phương thuốc của Tây phương để chữa căn bệnh cho xã hội Tây phương trong một giai đoạn phát triển cam go.
Về sau, Tây phương đã có những biện pháp khắc phục căn bệnh xã hội này, từ đó xã hội Tây phương phát triển rất mạnh mẽ. Do đó hiện nay thuyết Cộng Sản rất yếu trong xã hội Tây phương và một ngày gần đây sẽ không còn nữa ([6]).

Cộng Sản ở Nga.
Xã hội Tây phương phân ra hai khối:
a) Nga thuộc dân tộc Slave ở giữa Âu và Á, từng bị chinh phục bởi các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn hay của Attila. Nga theo đạo Gia Tô, giáo hội phương Đông
b) các nước Tây Âu thuộc giống Latin hay là Saxon, theo đạo Gia Tô, giáo hội La Mã
Giữa Nga và Tây Âu có sự tranh chấp liên tục trong lịch sử. Có khi Nga chiếm ưu thế, có khi Tây Âu. Hiện nay Tây Âu đang thắng thế nhờ các phát minh khoa học kỹ thuật rất tân tiến và hữu hiệu so với Nga. Chính vì vậy Nga phải gấp rút tổ chức cạnh tranh nhằm bắt kịp Tây Âu trên 2 mặt trận:
a) Canh tân đất nước về khoa học kỹ thuật theo Tây Âu-Mỹ

b) Áp dụng Chủ Nghĩa Cộng Sản. Việc này được họ tiến hành nhằm vào 3 mục tiêu:
1. Xây dựng mô hình tổ chức xã hội trong đó cơ cấu tổ chức của xã hội thích hợp với lực lượng sản xuất. Họ tin rằng đây là mô hình tiến bộ nhất, đi trước, đón đầu xu hướng phát triển của nền văn minh.
2. Cầm đầu các nghiệp đoàn lao động, các phong trào công nhân trong lòng các nước Tây Âu-Mỹ
3. Cầm đầu các nước thuộc địa đang có phong trào giành độc lập chống lại các chế độ thực dân trực tiếp của các nước Tây Âu
Như vậy thuyết Cộng Sản đối với Nga chỉ là một phương tiện và ngày nào mục đích đã đạt được, phương tiện sẽ không còn giá trị nữa. Các biến cố hiện tại ở Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga sắp đến lúc bỏ phương tiện Cộng Sản và trở về với xã hội Tây phương ([7]).
Và ngày đó sự tranh chấp quyết liệt giữa Cộng Sản và Tư Bản, như ngày nay, sẽ tự tiêu và nhường chỗ cho một cuộc tranh chấp khác quyết liệt hơn hiện nay đã bắt đầu thành hình giữa khối Trung Cộng và khối Âu Mỹ ([8]).

Cộng Sản ở Á Châu
Sở dĩ ngày nay thuyết Cộng Sản hoành hành được ở Á Châu là vì chính Tây phương đã tạo hoàn cảnh cho nó nẩy nở.
Sau khi đạt những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, Tây phương chinh phục thế giới, các quốc gia châu Á lần lượt trở thành thuộc địa.
Các quốc gia Á châu này, để giành lại độc lập, đã tìm đến Nga như một đồng minh tự nhiên có đủ sức giúp đỡ họ chống lại kẻ thù, và do đó họ chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản ([9]).
Như vậy sang Á Châu thuyết Cộng Sản chỉ còn là một phương tiện để đánh kẻ xâm lăng và là một phương pháp phát triển.Thực ra, Mao Trạch Đông đã nhìn thấy rõ hai điểm trên đây với phát biểu:
“Có nhiều người cho nó [thuyết Các-Mác] là thần dược trừ bá chứng. Chính những người này đã xem thuyết Các-Mác là một giáo lý. Phải nói cho những người này hiểu rằng giáo lý của họ không có ích lợi bằng phân bón. Phân bón còn làm giàu ruộng đất, giáo lý không làm được việc đó”.
Do đó, để giành độc lập cho đất nước, những nhà lãnh đạo chủ trương theo Cộng Sản còn có lý vững chắc. Nhưng sau đó họ hoàn toàn lầm lẫn nếu họ say mê mà tôn thờ thuyết Cộng Sản như là một chân lý ([10]).

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM – PHẦN II
VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG KHUNG CẢNH THẾ GIỚI VỪA TRÌNH BÀY
Vị trí quốc tế hiện tại của Việt Nam do các điểm dưới đây minh định:
1) Việt Nam là một nước nhỏ và kém mở mang.
2) Theo truyền thống văn hóa, Việt Nam thuộc vào xã hội Đông Á.
3) Việt Nam thuộc các nước Á Châu vừa thoát ách thực dân đế quốc.
4) Việt Nam đang cần phải Tây phương hóa như tất cả các nước không thuộc khối Tây phương để: một là tồn tại, bảo vệ độc lập; hai là để phát triển đời sống kinh tế hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.
Bốn điểm trên minh định vị trí nước ta trong thế giới ngày nay, trong lĩnh vực địa dư và trong lĩnh vực tiến hóa chung của nhân loại. Vì vậy, cùng với những điều kiện nội bộ riêng cho Việt Nam mà chúng ta sẽ thấy sau này, các điểm này chi phối mọi đường lối chính trị của ta trong ít lắm là vài thế kỷ.

Việt Nam là một nước nhỏ và kém mở mang.
Trong tinh thần quật cường và không tự ru ngủ trên dĩ vãng, không tự ti trước thực tế, chúng ta nhận định một cách khách quan rằng:
Trong thế giới ngày nay nước chúng ta là một nước nhỏ và dân tộc chúng ta là một dân tộc kém mở mang. Trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, chưa lúc nào dân tộc chúng ta đã đạt lên được mức một văn minh chiếu sáng. Chúng ta chưa có một đóng góp đáng kể nào cho văn minh nhân loại ([11]).
So sánh với các khối kinh tế vĩ đại như Nga Sô, Trung Cộng, Ấn Độ, Mỹ quốc, khối Âu Châu đang thành hình ([12]), và so sánh với nhiều quốc gia khác (Mexico, Braxil, Thổ Nhĩ Kì…), chúng ta là một quốc gia rất nhỏ hay nhỏ.
Chúng ta nhỏ vì diện tích không rộng, dân số ít, tài nguyên không nhiều. Sự nhỏ này khiến kinh tế chúng ta yếu kém, kỹ nghệ khó phát triển và văn hóa khó mở mang ([13]).
Vậy chúng ta cần tranh đấu để thoát khỏi tình trạng kém mở mang có nghĩa là vừa tranh thủ một mức sống cao hơn cho dân tộc, và cũng có nghĩa là sẵn sàng lãnh trách nhiệm đóng góp vào văn minh thế giới.
Dĩ vãng của chúng ta cho phép chúng ta tin rằng dân tộc có một năng lực tiềm tàng mà nếu được lãnh đạo đúng đắn Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh ([14]).

Việt Nam thuộc xã hội Đông Á.
Xã hội Đông Á gồm có các nước Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam bao quanh đại lục Trung Hoa. Trong hơn sáu ngàn năm lịch sử, các quốc gia trong xã hội này đều đã tiến hóa từ nền văn minh phát sinh trong đất Hán và lấy Hán tự làm nền tảng và phương tiện cho sự phát triển trong các lĩnh vực. Tất cả các quốc gia đều tin tưởng vào Phật giáo và Lão giáo, lấy giáo điều của Khổng Mạnh làm mực thước cấu tạo xã hội. Mối liên hệ tôn giáo, văn hóa, xã hội này sẽ còn kéo lâu dài về sau. Và người Việt Nam cần biết rõ về mặt địa lý quốc gia mình nằm gần nước Trung Hoa rất to lớn và đông dân.
Khung cảnh hữu hình và vô hình ràng buộc Việt Nam vào khối Đông Á là một điều chúng ta cần nhớ trong quá trình Tây phương hóa đất nước.

Việt Nam thuộc vào khối các nước Á Châu vừa thoát khỏi ách thống trị thực dân đế quốc
Bắt đầu từ thế kỷ thứ X, các cường quốc trong xã hội Tây phương mới phôi thai. Dưới sự thúc đẩy của hoàn cảnh và những biến cố lịch sử phát sinh ra người Tây phương đã phát minh nhiều kỹ thuật tối tân, cải thiện không ngừng phát minh cũ, rèn luyện những khí giới lý trí ngày càng tinh vi…. Và trong sự vùng lên đó, xã hội Tây phương đã chinh phục được thế giới như chúng ta đều biết.

Lần lượt các quốc gia trên thế giới không thuộc vào xã hội Tây phương đều bị tấn công, chiếm đóng và chinh phục. Tùy hoàn cảnh và tùy mãnh độ cuộc kháng chiến, các dân tộc hoặc bị tiêu diệt và đất đai bị biến thành đất đai của người chinh phục như ở Nam và Bắc Mỹ, Úc… hoặc biến làm thuộc quốc như Thái Lan, các nước Cận Đông hay bán thuộc địa như Trung Hoa, hay thuộc địa như Việt Nam. Và hậu quả lưu lại cho các dân tộc bị chinh phục cũng tùy theo hoàn cảnh riêng mà nhiều hay ít tai hại.

Trong số các quốc gia Đông Á bị Tây phương xâm chiếm, chỉ có Nhật là đối phó hữu hiệu hơn cả. Sự hữu hiệu này chẳng những giúp họ thoát khỏi bị lệ thuộc mà còn đưa họ lên hàng cường quốc hơn hẳn Trung Hoa và Nga vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 50 năm sau khi bắt đầu công cuộc Duy tân, Nhật chiến thắng vang dội trước 2 đối thủ lớn: năm 1895 họ hải chiến thắng Trung Quốc; năm 1905 họ hải chiến thắng Nga.

Phản ứng của Nhật Bản
Trước hết dân tộc Nhật có được cái vận may là trong thời kỳ như chỉ mành treo chuông việc mất còn chỉ trong ly tấc, được có một lớp người lãnh đạo cực kỳ sáng suốt. Họ nhận thấy ngay con đường sáng của dân tộc. Họ quyết liệt gạt bỏ tính tự phụ kiêu căng mà ý thức được ba điều tối quan trọng:
1) Tây phương hơn hẳn họ về kỹ thuật tổ chức và kỹ thuật võ trang.
2) Cách duy nhất thắng xâm lăng là làm chủ kỹ thuật tinh xảo của địch thủ.
3) Lợi dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc xâm lược Tây phương để bảo vệ nền độc lập và phát triển dân tộc.
Cuộc Duy tân của vua Minh Trị được tiến hành trên căn bản học và làm chủ kỹ thuật của địch thủ để thắng địch thủ. Những kỹ thuật của Tây phương trong mọi lĩnh vực được phân tích học hỏi và áp dụng triệt để, cấp thời đặt ưu tiên cho lĩnh vực quân sự và chính trị. Sau đó là sản xuất, kinh tế.
Nước Nhật đã thành công trong công cuộc Tây phương hóa để chống lại Tây phương. Độc lập vẫn còn, chủ quyền vẫn nguyên, người Nhật đã hoàn toàn chủ động công cuộc Tây phương hóa của họ. Vì vậy diễn tiến lịch sử của họ không bao giờ bị gián đoạn. Điều này tối quan trọng.
Một điều cần biết là ảnh hưởng của sự Tây phương hóa trên nền văn minh truyền thống. Nói một cách đại khái, một nền văn minh là một toàn bộ gồm những giá trị làm tiêu chuẩn trong các lĩnh vực của đời sống: kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội và nghệ thuật. Trong cái toàn bộ đó, các giá trị quân bình lẫn nhau gây nên một trạng thái điều hòa, và trong trạng thái tương đối điều hòa đó mà nền văn minh có khi tiến (phát triển), có khi lùi.
Khi mở cửa tiếp nhận văn minh phương Tây, toàn bộ nền văn minh truyền thống Nhật bị chấn động dữ dội. Do chủ động Tây phương hóa với mục tiêu và chương trình hành động xác định rõ ràng, Nhật vẫn còn giữ được những nét truyền thống riêng. Họ chỉ phải cải tiến thay thế sự điều hòa cổ truyền bằng một sự điều hòa mới chớ nền văn minh của họ không bị phân rã. Đây là điều rất tai hại mà, đau đớn thay, Việt Nam ta mắc phải khi không làm được như Nhật để cho nước thành lệ thuộc, dân thành nô lệ.

Phản ứng của Việt Nam và các hậu quả
Khi Pháp nổ súng xâm lăng vào Đà Nẵng, Việt Nam đã gặp phải một lớp người lãnh đạo thiếu sáng suốt, thiếu thiết thực, kiêu căng và không thức thời, không chịu phóng tầm mắt nhìn vào vấn đề thiết thực của dân tộc, tự giam hãm trí óc trong những quan niệm chật hẹp về quyền bính và triều đại ([15]).

Hậu quả là: nước Việt Nam bị chiếm làm thuộc địa. Mất chủ quyền, mất quyền điều hành và quyết định tương lai của đất nước. Hậu quả nặng nề trên Việt Nam sau tám mươi năm lệ thuộc là: a) Thiếu người lãnh đạo, b) sự lãnh đạo quốc gia Việt Nam bị gián đoạn và c) xã hội Việt Nam bị tan rã.

a) Thiếu Người Lãnh Đạo
Bởi Pháp không chú ý đào tạo lớp người thay thế họ cho nên, các cựu thuộc địa Pháp sau độc lập rồi, đều trải qua nhiều xáo trộn mãnh liệt, chỉ vì thiếu người có khả năng để thay thế các người ngoại quốc. Trên đây là một nhược điểm vô cùng quan trọng mà Việt Nam chúng ta phải mang chịu. Do đó khi thời cơ giành độc lập tới gần, hay khi đã giành được độc lập rồi thì sự thiếu người lãnh đạo trong các ngành là một trở lực vô cùng to tát cho công cuộc phát triển dân tộc ([16]).
Chú ý rằng điều chúng ta nói đây không chỉ nói tới những người lãnh đạo chính trị, mà nói đến các nhà chuyên môn trên mọi lãnh vực liên quan tới sự vận hành xã hội chạy đều đặn. Vậy những người cộng tác với Pháp có thể hữu dụng cho công cuộc này không? Ta có thể nói là không vì các đặc điểm sau đây của họ:
Ø Kiến thức và kinh nghiệm của họ rời rạc, vặt vãnh, không vươn tới kiến thức tổng hợp cho nên chỉ có thể thực thi chớ không thể lãnh đạo. Đương nhiên họ sẽ thất bại nếu được giao những công việc có tầm quốc gia.
Ø Họ có tâm lý kém trưởng thành của người được rèn luyện làm công cụ cho một bộ máy, và dần dần sẽ thành vô trách nhiệm.
Ø Họ có tính cách quan liêu, phục tùng hèn hạ kẻ trên và hà hiếp khinh miệt kẻ dưới.

b) Lãnh đạo quốc gia gián đoạn
Trong tình trạng bình thường, chủ quyền quốc gia truyền một cách êm thấm từ lớp người lãnh đạo này sang lớp người lãnh đạo sau. Các bí mật quốc gia và bí mật lãnh đạo quốc gia được lưu trữ trong văn khố hay nơi nào khác được truyền lại. Kinh nghiệm lãnh đạo truyền đời không gián đoạn và được lưu giữ trong văn khố là di sản vô giá của một dân tộc ([17]).

Trong một quốc gia còn chủ quyền, lãnh đạo có thể bị gián đoạn do bạo loạn, lật đổ… nhưng sự gián đoạn đó không cực đoan. Sự gián đoạn triệt để nhất là khi quốc gia bị ngoại bang xâm chiếm (Khi nhà Minh chiếm nước ta [1407-1027], khi Pháp xâm chiếm ta [1883-1954]). Lớp người lãnh đạo trước đã mất, lớp người lãnh đạo sau không có. Di sản dĩ vãng tiêu tan. Tình trạngthật là khủng khiếp nếu chúng ta so sánh một nhà lãnh đạo Anh có chỗ dựa vững chắc là hơn 400 năm kinh nghiệm di sản, còn nhà lãnh đạo Việt Nam thì cô đơn không có một kinh nghiệm nào để lại.

c) Xã hội bị tan rã
Xã hội đã được định hình nào cũng vậy, có một nền văn minh của nó, nghĩa là có một hệ thống các giá trị tiêu chuẩn làm mực thước cho hoạt động của xã hội. Những giá trị tiêu chuẩn đó được mọi thành viên trong xã hội hiểu, tin tưởng, ủng hộ… nên chúng kết nối các thành viên. Thí dụ, ngày trước, mọi người đều hội ý với nhau khi nói tới những từ như Hiếu, Trung, Quân tử…
Xã hội sẽ tan rã khi nào tất cả hay phần lớn các giá trị tiêu chuẩn đều phá sản mà không được thay thế. Khi Pháp xâm chiếm ta, các giá trị tiêu chuẩn của ta bị đả phá, xã hội không còn tín hiệu tập hợp nhau. Xã hội tan rã vì không còn tính cộng đồng, chỉ gồm các cá nhân rời rạc. Trong khi đó các giá trị mới thì xa lạ, mơ hồ cho nên chưa được nhiều người hưởng ứng.

Việt Nam đang cần phải Tây phương hóa để phát triển dân tộc
Cuộc xâm chiếm của Tây phương đối với nước khác thường theo các bước sau: 1) Xin trao đổi thương mại và đặt thương quán, và 2) Sau đó là hoạt động truyền đạo Gia Tô.
Chính mãnh lực của tín ngưỡng Gia Tô làm cho các nhà cầm quyền bản xứ lo ngại. Họ lo ngại trật tự cổ truyền của dân tộc sẽ bị xáo trộn bởi vật ngoại lai.
Các nhà cầm quyền bản xứ phản ứng theo một trong 2 cách sau:

Cách 1: Bản năng tự vệ.
Đa số các nước đóng cửa không để cho vật ngoại lai xâm nhập: bế quan tỏa cảng. Bài ngoại. Đây là thái độ tự nhiên, hợp với bản năng tự vệ, và hữu hiệu nếu kỹ thuật vật chất có đủ tiến bộ và lực lượng võ trang có đủ hùng hậu để làm hậu thuẫn, bằng không, thái độ đó sẽ là một tử lộ. Điều này đã được lịch sử thế giới chứng minh, và tai hại thay, lúc vận nước ở thế nghìn cân treo sợi tóc (những năm 1860-1880), Việt Nam đã chọn cách phản ứng này.

Cách 2: Lý trí phản công.
Là thái độ của một vài nước như Nga, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vì chọn cách theo bản năng và dễ làm, họ chọn cách dùng lý trí suy xét, phân tích thời thế rồi tìm phương cách chủ động hóa giải nguy cơ. Họ biết nguy cơ của vật ngoại lai đối với nền văn minh truyền thống, tuy nhiên bằng các nhận xét và phân tích sáng suốt, họ đã chọn phương cách học kỹ thuật của địch thủ để chống lại địch thủ.
Lịch sử đã cho thấy các quốc gia chọn cách 1 đều thất bại, và các nước chọn cách 2 thì thành công. Quốc gia thất bại bị thống trị với các hậu quả nặng nề như đã nói trên: hệ thống xã hội bị sụp đổ, phân rã. Quốc gia thành công thì giữ được nền độc lập, chủ động trong việc cải biến xã hội thích hợp với thời đại mới mà vẫn giữ lại những giá trị truyền thống đặc trưng.

Tây phương hóa là một sự kiện không từ chối được.
Bởi vì đây là con đường duy nhất để độc lập và cường thịnh. Cũng là con đường giúp ta, trong khi tự cải biến để hùng mạnh, bảo vệ được một số giá trị truyền thống đặc biệt của dân tộc, và do đó hệ thống giá trị của xã hội được duy trì trong tiến hóa chứ không sụp đổ.
Vấn đề là: Tây phương hóa như thế nào? Chúng ta cần chủ động tiến hành Tây phương hóa một cách Toàn diện và Trình độ cao.

Như thế nào là Tây phương hóa toàn diện?
Sự Tây phương hóa đã xảy ra từ khi Pháp xâm chiếm ta. Các tòa nhà kiểu Pháp mọc lên, nhiều người mặc Âu phục, cắt tóc, học trường Pháp, dùng tiếng Pháp … Tuy nhiên đây chỉ là sự Tây phương hóa bắt buộc do hoàn cảnh bị xâm lược, cho nên được thực hiện một cách không đường hướng, không mục đích và chỉ lên đến một mức độ thấp kém, và không có ích cho công cuộc phát triển dân tộc.
Chúng ta cần Tây phương hóa trên tất cả các khía cạnh. Không chỉ về quân sự, mà cả giáo dục. Không chỉ về khoa học kỹ thuật, mà cả cách tổ chức xã hội. Không chỉ về xây dựng đô thị, mà cả về các giá trị căn bản của sự khai phóng (tự do, bình đẳng…) ([18]).

Như thế nào là cao?
Hãy cùng xem thí dụ sau: một người học tốt nghiệp, rồi làm việc trong một công ty sản xuất máy móc của phương Tây, người đó có khả năng chế tạo khẩu súng tân tiến. Mức độ Tây phương hóa của người đó đủ cao chưa?

Chưa đủ, nếu người đó chỉ biết cách chế tạo khẩu súng. Chúng ta cần mức cao hơn là phương pháp làm việc, phương pháp quản lý, phương pháp suy luận của lí trí… để sáng tạo ra công cụ, chớ không chỉ là chế tạo công cụ. Và chúng ta cần cả xã hội chúng ta Tây phương hóa, chớ không phải chỉ một số nhỏ người nào đó có cơ hội.

Như vậy chúng ta thấy công cuộc Tây phương hóa đất nước ta là rộng lớn, đòi hỏi sự hiểu biết, quyết tâm của cộng đồng tới dường nào. Công cuộc này thực đồ sộ…
Tóm lại, cuộc Tây phương hóa là bắt buộc nhằm nâng nước ta lên hàng quốc gia độc lập, giàu mạnh, văn minh. Nếu không đạt được mức độ Toàn Diện và Cao đủ thì ta chưa đạt mục đích mong muốn mà có thể có những hệ lụy.

Tây phương hóa và bản chất dân tộc.
Tây phương hóa như vậy có làm mất bản chất dân tộc? KHÔNG, vì nếu không Tây phương hóa thì chúng ta mất độc lập. Sự Tây phương hóa rồi cũng xảy ra, nhưng khi nước là thuộc địa, dân tộc là nô lệ và được tiến hành bởi kẻ xâm lược thì bản chất dân tộc sẽ tiêu tan, xã hội sẽ phân rã.
Nay đã có độc lập rồi, ta cần chủ động Tây phương hóa. Càng sớm thành công, quốc gia càng sớm giàu mạnh mà vẫn giữ được sự liên kết trong xã hội, ta càng có điều kiện bảo vệ, duy trì và phát triển bản chất dân tộc.

Độc lập là điều kiện cần thiết để chủ động Tây phương hóa. Các nhà lãnh đạo Việt Nam theo đường lối Cộng Sản, đã hành động đúng khi họ qui tụ dưới lá cờ Cộng Sản của Nga trong giai đoạn chiến đấu giành độc lập. Nhưng độc lập không phải là mục đích, mà chỉ là một điều kiện để phát triển dân tộc.
Khi đã có độc lập và bước sang giai đoạn phát triển dân tộc, thuyết Cộng Sản có còn
ích lợi không? Hay là khi hoàn cảnh và vấn đề đã thay đổi, thì giải pháp không thể giữ như cũ được?Câu hỏi này sẽ được xem xét ở phần sau.

Cơ thức Tây phương hóa
Công cuộc Tây phương đối với nước khác thường theo các bước sau:
1) Thâu thập kỹ thuật tổ chức quân đội và kỹ thuật võ trang quân đội
2) Tiếp theo, dù muốn hay không muốn, là các thay đổi trong lĩnh vực cơ cấu chính trị, là nơi mà cuộc Tây phương hóa gặp sự kháng cự nhiều nhất và đẫm máu nhất.
3) Khi cơ cấu chính trị theo kiểu Tây phương đã được thiết lập, các bước tiếp theo về giáo dục, kinh tế… sẽ được tiến hành thuận lợi hơn.

Từ đây, sự Tây phương hóa có thành công hay không là do có được tiến hành đủ sâu (toàn diện và cao) và đủ rộng không (tới nhiều tầng lớp của dân tộc). Nếu có, nó sẽ được dân chúng củng cố và thúc đẩy hơn. Nếu không, sẽ có sự chia rẽ giữa dân chúng không ủng hộ với nhà cầm quyền tiến hành Tây phương hóa. Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng sẽ dẫn tới xung đột xã hội. Do đó, rất quan trọng là sự Tây phương hóa phải tỏa rộng đến toàn dân.

Vì vậy, các nỗ lực Tây phương hóa phải đặt trọng tâm vào đại chúng. Ở xứ ta đa số quần chúng là ở nông thôn: công tác Tây phương hóa của ta phải dồn nỗ lực về nông thôn, nơi tập trung đa số nhân lực và tài sản của quốc gia.

Hai cơ hội
Công cuộc Tây Phương hóa cần 2 điều kiện:
1) Nó đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật/khoa học và vốn Tây phương. Kỹ thuật phải hoàn toàn ở ngoài đưa vào, đại đa số vốn phải ở ngoài đưa vào. Do đó điều kiện thứ nhất là thời cuộc thế giới thuận tiện cho công cuộc Tây phương hóa. Đây là điều kiện bên ngoài.
2) Khi cơ hội tới, thì điều kiện nội bộ là rất quan trong: dân tộc có biết dùng thời cơ để Tây phương hóa hay không (cần tầng lớp lãnh đạo sáng suốt, cần dân chúng ủng hộ công cuộc duy tân…)
Cho tới nay ta thấy có 2 cơ hội lớn trên thế giới: 1) Thời cuộc những năm 1830-1860, và 2) Thời cuộc những năm 1940-1960 ([19]).
1) Thời cuộc những năm 1830-1860: Lúc này văn hóa và khoa học/kỹ thuật của Âu châu đã đạt mức rất cao so với phần còn lại của thế giới. Sau khi xâm chiếm Ấn Độ, Nam Dương (Indonexia) và Phi Luật Tân, các cường quốc Tây phương bắt đầu tấn côngĐông Á. Năm 1842 Anh gây chiến tranh Nha Phiến ở Trung Hoa, 1853 Mỹ nã pháo vào hải cảng Uraga của Nhật. Năm 1856 Pháp pháo kích Đà Nẵng.

Tình thế rất nguy cấp, nhưng cũng là cơ hội để các nước Đông Á Tây phương hóa. Cơ hội lớn vì các cường quốc Tây phương mâu thuẫn nhau (Anh, Pháp, Đức, Nga…). Nước Nhật biết lợi dụng hoàn cảnh để Duy tân và trở thành hùng mạnh vài thập niên sau đó. Việt Nam chỉ biết thần phục Trung Quốc, tự kiêu, thiển cận, không phân tích được tương quan lực lượng Việt-Pháp, không phân tích tình hình chính trị thế giới, không dám chủ động tiếp xúc với các quốc gia có mâu thuẫn với Pháp như Anh, Đức, rốt cuộc mất nước và lệ thuộc. Sự kiện thảm khốc và đau đớn này có gốc rễ từ quan niệm thấp và hẹp về ý thức độc lậpcủa Việt Nam lúc đó ([20]).

2) Thời cuộc những năm sau thế chiến 2: Chiến tranh chưa dứt đã bắt đầu cuộc tranh chấp Mỹ-Nga (lãnh đạo hai khối chính trị trên thế giới [Tự Do-Cộng Sản]) tạo cho các quốc gia lệ thuộc cơ hội giành độc lập và phát triển dân tộc. Trung Quốc đã dùng được cơ hội này để phát triển ([21]).

Việt Nam và cơ hội thứ hai
Việt Nam đã biết tùy hoàn cảnh tìm đồng minh trong khối Cộng Sản, và giành được độc lập. Tuy nhiên, sau khi giành độc lập, hai miền Nam Bắc vẫn không phát triển dân tộc được. Chẳng những chưa lợi dụng được mâu thuẫn giữa Tây phương và Nga Sô để phát triển, chúng ta lại còn bị lọt vào cái vòng mâu thuẫn đó để bị tiêu hao nhân lực và tài lực khủng khiếp.

Chủ Nghĩa Cộng Sản và Phát Triển Dân Tộc Việt Nam
Ta đã thấy, chủ nghĩa Cộng Sản:
1) Đối với Tây phương: lý thuyết Các-Mác, là một phương thuốc do một số người Tây phương đề nghịđể chữa bệnh cho xã hội Tây phương, trong một cơn khủng hoảng. Hiện nay xã hội Tây phương đã dần dần khắc phục được khủng hoảng đó.

2) Đối với Nga: là một vũ khí để đánh lại Tây phương trên hai mặt, trong và ngoài. Tự nhận mình là thành trì của thuyết Các-mác, và lãnh đạo cuộc cách mạng xây dựng xã hội Cộng Sản, Nga sẽ có 2 thế mạnh: a) tất cả các đảng Cộng Sản ở các quốc gia Tây phương biến thành những đồng minh chiến đấu của Nga Sô, và b) Hầu hết các nhà lãnh đạo các quốc gia bị Tây phương xâm chiếm đều qui tụ dưới lá cờ Cộng Sản của Nga Sô. Đây là lý do mà Lê-nin đề cập nhiều đến các thuộc địa.

3) Đối với Bắc Việt: các nhà lãnh đạo còn đang say mê thuyết Cộng Sản và tôn nó lên hàng một chân lý và tự biến mình thành một thứ nô lệ trí thức để cho người sử dụng. Cho nên, trong nhiều hành động chính trị và trong lĩnh vực ngoại giao giữa các quốc gia, họ tin rằng một sự đồng minh về lý thuyết có thể đặt trên quyền lợi của dân tộc.

Cơ Hội Thứ Hai và Phát Triển Dân Tộc Việt Nam
Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội thứ hai. Nhưng cơ hội này vẫn đang còn. Việt Nam sẽ bắt được cơ hội còn lại không?
Đánh mất cơ hội thứ nhất: Việt Nam bị lệ thuộc gần trăm năm.

Nếu lại đánh mất cơ hội lần hai, chúng ta sẽ lọt vào một hoàn cảnh rất bi đát nhất là nếu người láng giềng khổng lồ của chúng ta phát triển được.
Các nhà lãnh đạo, phía Nam và phía Bắc, của chúng ta đã nhận thức tình trạng, vô cùng nguy ngập và khẩn cấp cho chúng ta chưa?

Miền Nam: trong hai mươi năm qua, các nhà lãnh đạo thọ lãnh trách nhiệm về vận mạng của quốc gia, chưa tỏ ra nhìn thấy vấn đề căn bản dân tộc cần phải giải quyết trong giai đoạn này. Chưa thấy làm sao có hành động?

Miền Bắc: các nhà lãnh đạo còn đang say mê thuyết Cộng Sản và tin rằng sự đồng minh về lý thuyết có thể đặt trên quyền lợi của dân tộc ([22]). Họ chưa đặt câu hỏi: Khi viện trợ khí giới, phương tiện cho Việt Nam đánh Mỹ, Trung Cộng xem Việt Nam là đồng chí Cộng Sản hay là một phần đất cũ, và nay sắp được gồm thâu vào lãnh thổ của họ? Do đó, nguy cơ một Việt Nam bạc nhược lệ thuộc một Trung Quốc hùng mạnh đang rất rõ, và mỗi người Việt nam chúng ta khiếp sợ khi nghĩ tới hậu quả vô cùng thảm khốc trong tương lai.
Trách nhiệm này, mà thế hệ chúng ta phải mang, đối với các thế hệ sau này, sẽ vô bờ bến. Nếu chúng ta lại còn lỡ cơ hội nữa, thì các nhà lãnh đạo hiện nay sẽ mang nặng, đối với dân tộc, một lỗi lầm không có gì tha thứ được.

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM – PHẦN III
PHẦN III (A): ĐIỀU KIỆN NỘI BỘ
Phần này xem xét các di sản thuận lợi hay không thuận lợi cho việc phát triển dân tộc. Trong đó, mối liên hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Á có vai trò quan trọng.
Từ khi độc lập năm 939 tới khi Pháp tấn công, lịch sử hơn 900 năm của Việt Nam chịu chi phối bởi hai sự kiện rất quan trọng: a) Bang Giao với Trung Hoa, và b) Nam Tiến

Liên lạc với Trung Hoa
Lịch sử bang giao Việt-Trung do hai tâm lí ngược nhau quyết định: Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập. Trung Hoa tìm cách chiếm Việt Nam mà họ cho là lãnh thổ bị tạm mất.
Quan niệm Trung Quốc: Từ năm 939 đến năm 1840, Trung Hoa đã bảy lần đem quân toan chiếm nước ta. Điều này chứng tỏ lúc nào Trung Hoa cũng theo đuổi chính sách thống trị Việt Nam. Từ năm 1840 tới nay cũng vậy: Triều Thanh, dù đang rất suy yếu, vẫn có kế hoạch chia đôi Việt Nam với Pháp! ([23]).

Tâm lý thuộc quốc của các nhà lãnh đạo ta là do luôn bị ám ảnh bởi họa xâm lăng từ phía Bắc. Tâm lí này khiến họ thần phục Trung Quốc và mở bờ cõi về phía Nam. Nó cũng khiến triều Nguyễn, khi Pháp tấn công, không có chính sách ngoại giao hữu hiệu khai thác mâu thuẫn giữa các nước phương Tây.Hành động ngoại giao duy nhất lúc bấy giờ là gởi sứ bộ sang cầu cứu Trung Hoa!

Chống ngoại xâm: Hoạt động bang giao xưa của ta có 2 hướng chính: chống ngoại xâm Trung Hoa, và xâm chiếm nước yếu hơn. Trong việc chống ngoại xâm thì ta cũng chỉ có 2 cách: a) Khi quân xâm lược tới, dùng biện pháp quân sự đối phó, và b) Giữa 2 lần bị xâm lược thì thần phục, triều cống Trung Hoa để hoãn binh.

Ngoài 2 cách trên chúng ta không có chính sách giữ và phát triển đất nước căn bản. Đối với một nước nhỏ, biện pháp ngoại giao là vũ khí sắc bén để bảo vệ độc lập, nhưng khi Pháp tấn công, Việt Nam không có chính sách ngoại giao hữu hiệu ([24]).

Nhưng, hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, là:
a) nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, và
b) mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.

Trong khi đó: bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là:
a) tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ ([25]).

b) giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của quốc gia trở thành những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền([26]).

Một chính thể độc tài không thể đáp ứng các điều kiện nói trên. Hơn nữa, chính thể độc tài khiến nhân dân chán ghét người lãnh đạo, do đó làm suy yếu quốc gia. Lịch sử thế giới cho thấy: Chỉ những dân tộc sống tự do mới chống được ngoại xâm([27]).

Triều Nguyễn xưa có thể đã kháng Pháp mạnh hơn nếu triều đình khuyến khích tinh thần độc lập, tự do và ý thức chống ngoại xâm của dân chúng thay vì đàn áp họ ([28]).
Vậy chúng ta có thể quan niệm rằng để quốc gia Việt Nam giàu mạnh đủ sức giữ độc lập và tự chủ thì một chính thể độc tài là hoàn toàn không thích hợp.

Công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam
Cuộc Nam tiến thật sự mở màn năm 1069 khi Lý Thường Kiệt chiếm đất Chiêm Thành lập nên tỉnh Quảng Bình và Bắc Quảng Trị. Năm 1301, vua Trần Anh Tôn tiếp nhận hai châu Ô, Rí lập Nam Quảng Trị và Thừa Thiên. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chiếm tất cả phần đất đến đèo Cù Mông (bắc Bình Định). Các chúa Nguyễn, cho tới đời chúa Nguyễn Phúc Chu, chiếm nốt phần đất còn lại của Chiêm Thành (tới Bình Thuận).

Trước khi nước Chàm bị hoàn toàn thôn tính, Việt Nam đã di dân sang các phần đất bỏ hoang của Cam-Bốt tại Bà Rịa và Đồng Nai. Năm 1698, các tỉnh Miền Đông, Gia Định, Long An, một phần Định Trường được sáp nhập. Từ 1732 tới 1780, các chúa Nguyễn chiếm nốt các vùng đất Tiền Giang, Hậu Giang, An Xuyên, Hà Tiên và Kiên Giang.

Như vậy, ta có thể thấy công cuộc Nam Tiến của ta có thể chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn chiếm Chiêm Thành: Từ năm 1069 đến năm 1693. Nghĩa là hơn 600 năm để chiếm và bình định dãy đất hẹp từ Hoành Sơn tới Bình Thuận. Một thời gian đủ dài để di dân và thiết lập hệ thống làng xã theo thiết chế, nếp sống, phong tục Việt Nam. Trong thời gian này có 7 cuộc chiến của đàng Trong và đàng Ngoài, nhưng chỉ xảy ra ở hai bờ sông Gianh, không gây đảo lộn các vùng đất mới chiếm và đang được ổn định.

Giai đoạn chiếm miền Nam: Từ năm 1698 đến năm 1780. Chỉ khoảng 80 năm để chiếm và bình định vùng đất mênh mông so với dân số ta lúc bấy giờ. Khoảng thời gian quá ngắn ngủi và mức gia tăng dân số ít ỏi không đáp ứng đòi hỏi di dân và thiết lập cơ cấu dân cư, hành chính ổn định. Hơn nữa, cuộc chiến Tây Sơn – chúa Nguyễn quét nhiều lần qua vùng đất mới này. Sáu mươi năm đầu thế kỉ 19 chưa kịp cho nhà Nguyễn thời gian tạm bình định tình hình thì quân Pháp tấn công và vùng đất này bị cắt ra khỏi nước Việt Nam. Nói chung, miền Nam là một vùng đất nơi mà tổ chức xã hội chưa định hình, tập quán dân tộc cổ truyền, ý thức quê hương xứ sở chưa bám rễ vững chắc. Một vùng đất như vậy đương nhiên rất yếu ớt, nhất là về quốc phòng.

PHẦN III (B): CƠ SỞ HẠ TẦNG VÔ TỔ CHỨC
Như đã nói trong phần III (A), miền Nam được sáp nhập vào Việt Nam mà chưa có sự thiết lập vững chắc cơ cấu dân cư, hành chính, các giá trị dân tộc cổ truyền cùng ý thức quê hương xứ sở…

Trước khi vua Gia Long lên ngôi, quân đội Tây phương đã tấn công các vùng đất chung quanh Việt Nam như Phi Luật Tân, Ấn Độ, Indonesia… từ mấy trăm năm trước. Tới khi vua Minh Mạng ý thức được tình trạng nguy ngập của quốc gia thì trong nội bộ, những biện pháp quốc phòng không có, đối ngoại, thì quan niệm ngoại giao của chúng ta vẫn chật hẹp và đóng cửa như xưa.Những biện pháp ngoại giao của Việt Nam lúc đó, dù đối với Trung Hoa hay đối với Anh, Pháp bộc lộ rõ rệt “tâm lý thuộc quốc”, nghĩa là tâm lí nô lệ.

Cùng lúc đó, sự thừa hưởng một vùng đất chưa hoàn toàn bình định đặt miền Nam vào một tình thế khó khăn. Cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu tổ chức: miền Nam dễ bị xâm lăng, khó phòng thủ. Pháp thắng dễ khi tấn công miền Nam. Hiện nay cũng vậy, quân du kích miền Bắc dễ dàng phá rối, tấn công các vùng nông thôn của miền Nam.

Hình thức vật chất của làng.
Khi phân tích hình thức vật chất của làng, cùng với một số tâm lí, tập quán truyền thống, cần nói rõ: tính dân chủ của làng ta ở mức thấp, gần với mức của bộ lạc. Chúng ta không hãnh diện về điều này trong cấu trúc Làng của chúng ta.

Làng chúng ta ở miền Bắc được tổ chức một cách trù mật: trong vùng đất của làng, vuông rào xây trên một đất hẹp, gồm nhiều nóc gia và dân cư đông đúc. Lối đi và nhà cửa trong làng sắp xếp như trong một thành phố nho nhỏ, tất cả các cơ sở công cộng, trường, đình, chùa, công sở… đều phục vụ toàn thể dân làng. Nếp sống tập thể giữa những người trong làng đó sẽ đương nhiên, và ý thức cộng đồng thành một tập quán của dân làng. Hai chữ “Làng tôi” khêu gợi một vũ trụ nho nhỏ, một tập thể trong đó có tôi.

“Làng” là một đơn vị xã hội sau gia đình, một đơn vị quốc phòng, hành chính của quốc gia, và một đơn vị kinh tế cho vùng. Hình thức này là hình thức nguyên khởi của làng chúng ta, và chúng ta tìm thấy hình thức này ở tất cả làng miền Bắc, Bắc miền Trung, đến Quảng Bình và Quảng Trị.

Càng tiến về phương Nam, tính chất “Làng” này càng nhạt nhòa rồi mất hẳn trong cấu trúc nông thôn Việt Nam. Từ phía Nam Quảng Trị đến Bình Thuận, hình thức của làng bớt tính cách trù mật. Sự liên lạc giữa người trong làng càng giảm, tinh thần tập thể giảm theo, và lối sống riêng tư càng phát triển.

Nhưng bắt đầu từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì hình thức trù mật hoàn toàn biến mất. Tính cách đơn vị xã hội của làng không còn nữa. Tính cách đơn vị quốc phòng cũng biến mất, chỉ còn tính cách đơn vị hành chính.
Ở Tây Nam Bộ, hình thức nguyên khởi của làng biến mất hoàn toàn trên những cánh đồng bao la hay dọc theo vài mươi ngàn cây số bờ sông với chỉ vài nóc gia rải rác…
Giải thích cho sự việc này bằng lí do là miền Nam có đất rộng, miền Bắc đất hẹp hơn, thực ra không đủ. Quan niệm sai về tổ chức làng, bỏ quên tính chất trù mật của làng là nguyên do chánh.

Hậu quả của hình thức vật chất.
Làng thiếu tính “trù mật” chịu các hậu quả xấu dưới đây:
1) Tinh thần tập thể mất đi. Từ đó kéo theo tinh thần quốc gia cũng suy giảm;
2) Sự tiến hóa của cá nhân bị gián đoạn vì không kế thừa được kiến thức, kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác theo nếp sống “trù mật”;
3) Sự liên lạc hai chiều dân chúng với chính quyền không còn thông suốt

Do đó, để chống lại sự xâm lược và phá rối của du kích quân miền Bắc, ta phải đặt biện pháp quân sự trong một công cuộc phát triển tổng thể cho miền Nam. Trong đó, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện là tổ chức lại các cơ sở hạ tầng nông thôn trên căn bản cuộc sống trù mật và tập thể. Và công cuộc này, chúng ta phải nhắm tới mức độ quốc gia chứ không phải chỉ ở miền Nam.

Những Di Sản Khác Của Lịch Sử
Ngoài hai vấn đề “Bang Giao với Trung Hoa” và “Nam tiến”, tám mươi năm Pháp thuộc để lại cho chúng ta một di sản nhiều tai hại. Chỉ cần nhắc thêm vài di sản nặng nề…
Tây phương hóa bắt buộc: Vận mạng của chúng ta không phải do chúng ta nắm. Vì vậy, công cuộc Tây phương hóa củachúng ta từ một thế kỷ nay, là một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc, không mục đích, không được hướng dẫn. Dân chúng bị lôi cuốn vào phong trào Tây phương hóa, mà không hiểu mục tiêu gì, mức độ và phương cách nào để Tây phương hóa hữu hiệu.

Xã hội tan rã: Các giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất hết hiệu lực mà giá trị tiêu chuẩn mới thì không có. Do đó, tín hiệu tập hợp các phần tử trong xã hội để tạo sự tin tưởng, thúc giục dân chúng cùng cố gắng hướng về mục tiêu phát triển chung của đất nước, bị suy yếu hẳn. Việc này càng nghiêm trọng khi có mặt quân đội nước ngoài ([29]).

Sự gián đoạn trong vấn đề lãnh đạo quốc gia: Sự gián đoạn trong lãnh đạo quốc gia của chúng ta thật trầm trọng. Sự chuyển quyền không thể thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau.Người lãnh đạo không có đủ di sản, dĩ vãng không bảo tồn được. Bí mật quốc gia và bí mật lãnh đạo đều bị mất. Thuật lãnh đạo và kinh nghiệm lãnh đạo không truyền lại được.

Vấn đề phân chia lãnh thổ: Việc chia đôi lãnh thổ khiến nguồn lực phát triển, thay vì tập trung cho toàn quốc gia, nay phải thực hiện trên từng miền riêng rẽ.

Mâu thuẫn và cơ hội: Mâu thuẫn giữa các nước lớn là cơ hội phát triển cho nước nhỏ. Nhờ mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương hồi thế kỷ 19 mà nước Nhật đã canh tân và phát triển. Mâu thuẫn giữa khối Cộng Sản và khối Tây phương đã giúp cho các quốc gia thuộc địa thâu hồi được độc lập.

Từ sau thế chiến thứ hai, cơ hội lớn đã đến, nhưng do bị phân chia, Việt Nam chẳng những không phát triển được, mà còn để bị mâu thuẫn của hai khối Tự Do và Cộng Sản kéo vào một cuộc chiến vô cùng tàn khốc!

Các dân tộc khác đã nắm lấy cơ hội và thực sự phát triển. Nếu Việt Nam đễ lỡ cơ hội một lần nữa, hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Thế hệ chúng ta, nhất là các nhà lãnh đạo, sẽ chịu sự nguyền rủa oán hận của các thế hệ con cháu.

Hiện trạng tâm lý: Sự phân chia lãnh thổ còn tạo ra một hiện trạng tâm lý, thuộc về tình cảm ăn sâu và lan rộng trong quần chúng. Mỗi người Việt Nam ở phía Nam cũng như phía Bắc đều cảm thấy như đã bị cưỡng đoạt một phần di sản của tổ tiên.

Phân chia và phân tranh: Cuộc phân tranh của Việt Nam hiện nay khác hẳn về bản chất với các cuộc phân tranh trong lịch sử trước đây (phân tranh Trịnh-Nguyễn và phân tranh Nguyễn-Tây Sơn). Những cuộc phân tranh trước đây đều do hai thế lực nội bộ tranh giành nhau. Cuộc phân chia ngày nay là hiện tượng địa phương của sự tranh chấp giữa ba khối Tây phương, Nga và Trung Cộng.

Lí do Việt Nam phải gánh lấy cuộc chiến này là chúng ta, trong khi giành độc lập, phải liên kết với khối Cộng Sản. Sau khi Pháp rút đi, thời cuộc thay đổi căn bản, chúng ta lại không đủ khôn ngoan tách ra khỏi liên hệ đồng minh với Cộng Sản.

Các cuộc phân tranh trước kia xảy ra khi nước ta tiến hóa trong cùng một hệ thống giá trị tiêu chuẩn. Vì vậy, sau khi cuộc phân tranh chấm dứt thì xã hội vẫn tiếp tục phát triển.

 Cuộc phân tranh hiện nay xảy ra với các giá trị dân tộc truyền thống bị phá hủy và các giá trị mới chưa được xác định. Cứ theo hoàn cảnh hiện nay, miền Bắc Việt Nam sẽ theo các giá trị của xã hội Cộng Sản, miền Nam sẽ theo các giá trị của xã hội Dân Chủ-Tự Do. Do sự khác biệt của hai hệ thống giá trị đối chọi nhau, khi đất nước thống nhất chắc chắn sẽ gây hụt hẫng cho một nửa dân tộc trong một thế hệ ([30]).

Hiện nay Việt Nam chỉ có thể phát triển, giống như các nước khác, bằng cách Tây phương hóa. Sự phân tranh của dân tộc lại đặt thêm một câu hỏi: ta nên thống nhất trước khi phát triển, hay ta sẽ phát triển mỗi miền trước khi thống nhất?

Để có thể trả lời cầu hỏi trên, trước hết chúng ta cần biết…

Việt Nam là một thuộc địa của Pháp, một nước có chính sách thuộc địa hẹp hòi. Sau thế chiến 2, chính sách trao trả độc lập cho thuộc địa cũng rất thiển cận. Do đó, Việt Nam và Algérie phải tốn nhiều xương máu giành độc lập. Chúng ta đã giành độc lập theo truyền thống kiêu hùng của dân tộc. Tuy nhiên, bất kì nhà lãnh đạo nào cũng cần biết rằng sinh lực của cộng đồng là một của báu, phải được bảo vệ và tiết kiệm một cách nghiêm nhặt. Phải chi ta giành độc lập với sinh lực ít hao tốn, thì ta có thể dồn sinh lực cho công cuộc 
phát triển. Độc Lập không phải là mục đích, Phát Triển Dân Tộc mới là mục đích.

Thực ra thì dù chính sách của Pháp có thiển cận, chúng ta cũng có thể đòi lại độc lập với ít tổn thất sinh lực hơn. Chính lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng đã khiến cho phe Cộng Sản Việt Nam chọn chiến tranh thay vì đấu tranh chính trị.

Dù không đồng ý, chúng ta cũng thông cảm việc các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đồng minh với Nga Xô để giành độc lập. Nhưng sau đó, để lãnh đạo công cuộc phát triển đất nước, họ phải thoát khỏi vòng ảnh hưởng của hai khối Tự Do và Cộng Sản, nếu họ nhận thức rõ:

1) Thâm ý chiến lược của Nga và Trung Cộng. Chủ nghĩa Cộng Sản thực ra chỉ là một phương tiện tranh đấu của những Nga trước đây, và của Trung Cộng hiện nay.

2) Cần chấm dứt đồng minh với Cộng Sản khi không còn ích lợi cho dân tộc.
3) Đối với Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp.

Tai họa thay, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã không thoát ra khỏi ảnh hưởng đó, và Việt Nam biến thành chiến trường của tranh chấp Tự Do – Cộng Sản. Mâu thuẫn giữa hai khối, lẽ ra là cơ hội, biến thành tai họa tàn phá khủng khiếp sinh lực của đất nước! ([31])

Thời cuộc đã cho chúng ta một cơ hội lớn để phát triển. Nhưng chúng ta đã buộc chặt vận mệnh chúng ta vào Trung Cộng, một việc mang rất nhiều di hại to lớn về sau. Và hiện nay, chúng ta đang bị chia làm hai! Câu hỏi lớn là: ta nên thống nhất trước khi phát triển, hay ta sẽ phát triển mỗi miền trước khi thống nhất?

Biết rằng chúng ta không tự chủ được trong việc phân chia, tất có những việc tiếp theo ta cũng không tự chủ được. Nhưng nếu thấu triệt các vấn đề cần thiết cho dân tộc, chúng ta có thể chủ động tạo nên các sự việc có ích cho nước ta, và có thể ngăn cản các phát sinh có hại. Chúng ta thử tìm hiểu hai trường hợp:

Thống Nhất Trước Khi Phát Triển:

1) Nếu thống nhất bởi miền Bắc: Sau thống nhất sẽ bị Trung Cộng chi phối nặng nề. Sự phát triển của Việt Nam không thể nào thực hiện được, bởi vì:
a. Trung Cộng đang phải khó khăn để phát triển. Nếu để Trung Cộng chi phối thì sự phát triển của Việt Nam còn khó khăn hơn.

b. Trung Cộng chỉ là học trò của phương Tây. Học Trung Cộng, chúng ta sẽ mắc phải các sai lầm của người học trò Trung Cộng.
c. Chúng ta sẽ tròng vào cổ dân tộc cái ách nô lệ mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ nhiều xương máu để loại trừ ([32]).

2) Nếu thống nhất bởi miền Nam: Sau thống nhất sẽ bị phương Tây chi phối nặng nề. Chúng ta có thể nhận được viện trợ dồi dào từ phương Tây, nhưng dù sao sự phát triển của Việt Nam không là mối bận tâm của họ.
Hơn nữa, nếu Thống Nhất trước, ta không còn cơ hội lợi dụng mâu thuẫn của hai khối.
Phát Triển Trước Khi Thống Nhất:
Hai miền sống hòa bình và tự phát triển. Miền Bắc tận dụng khối Cộng Sản, miền Nam tận dụng khối Tự Do. Sự tranh chấp của hai khối khiến mỗi miền nhận nhiều viện trợ kỹ thuật và tư bản. Hơn nữa, ngoài tranh chấp của hai khối, Trung Cộng cũng chen vào tạo nên cục diện tranh chấp ba bên: Mỹ và Tây Âu, Nga Xô, Trung Cộng.

Phát Triển trước khi Thống Nhất có mặt bất lợi: a) hai miền phát triển theo hai phương cách khác nhau, khi thống nhất có trở ngại không?, và, b) hai hệ thống Cộng Sản và Tự Do có hai hệ thống giá trị khác nhau, khi thống nhất có trở ngại không?

Nếu xem kỹ ta sẽ thấy các bất lợi, đều có thể vượt qua. Sự khác nhau về phương cách phát triển thuộc về lãnh vực kỹ thuật, không khó để khắc phục. Sự khác biệt về giá trị thì sâu sắc hơn, tuy nhiên khi phát triển thành công, ta vẫn còn giữ các giá trị căn bản của truyền thống dân tộc làm nền tảng cho sự thống nhất về sau.

Như vậy, theo lý luận trên, gạt bỏ lòng xúc động vì tổ quốc chia đôi, can đảm đối diện thực tế, chúng ta sẽ chấp nhận giữ tình trạng phân chia để lo phát triển mỗi miền trước.

PHẦN III (C): VAI TRÒ CỦA MIỀN NAM
Trong khi quá lệ thuộc vào chủ nghĩa Cộng Sản, các nhà lãnh đạo miền Bắc đã tạo điều kiện cho: a) Sự chia cắt đất nước, và b) Sự thống trị của Trung Cộng sau này.
Việt Nam đã ra ngoài sự chi phối của Tàu gần một thế kỉ. Nay, khi tự đặt lại mình dưới sự chi phối đó, các nhà lãnh đạo miền Bắc đã đặt dân tộc trước viễn cảnh khủng khiếp là lệ thuộc Trung Hoa, mà kinh nghiệm ngàn năm đã cho thấy rất là tàn khốc.

Hiện nay miền Bắc đang tiến hành xâm chiếm miền Nam. Sự tồn tại của miền Nam, trong lòng khối Tự Do, có vai trò cực kì quan trọng: nó chưa cho phép Trung Cộng thống trị Việt Nam. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian([33]). Vậy chúng ta bảo vệ miền Nam không chỉ cho miền Nam, mà còn giữ một lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa ([34]).

PHẦN III (D): ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN
Hiện nay, nước nào muốn phát triển đều phải theo tinh thần khoa học, kỹ thuật của phương Tây. Ngoài các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, các nước Bắc Âu… các nước khác đều theo con đường này: Nga, Nhật, Thổ Nhĩ Kì, Nga…
Ngoại trừ Nga và Trung Hoa dùng chế độ độc tài ép dân làm việc để Tây phương hóa, các nước kia theo đường lối Tự Do Dân Chủ. Phân tích các điều kiện về Nhân lực, Kinh tế, Chính trị, Lịch sử, vị trí địa lý… của Việt Nam chúng ta thấy Việt Nam không thể theo chế độ độc tài để phát triển vững bền được.

Phân tích các điều kiện phát triển của Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta thấy:
Trong quá khứ: do lịch sử một ngàn năm lệ thuộc và hơn chín trăm năm liên tục chống chọi với Trung Hoa mạnh gấp Việt Nam rất nhiều lần, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn có tâm lí thuộc quốc trước Tàu. Từ khi Pháp chiếm Việt Nam, tâm lí này đã bị đánh bạt.

Hiện nay: khi đã giành độc lập, Việt Nam ở vị thế ngang với Trung Hoa vì là những nước vừa lấy lại sự tự chủ ([35]). Với diện tích và dân số nhỏ hơn, Việt Nam sẽ phát triển thuận lợi hơn. Việt Nam có chữ viết theo mẫu tự La tinh, tiện giao tiếp với văn hóa Tây phương và sự Tây phương hóa dễ hơn. Nếu tiếp thu các giá trị tốt đẹp của văn hóa Tây phương, lấy sự phát triển con người làm phương tiện phát triển kinh tế xã hội thì Việt Nam sẽ nhanh chóng hùng cường bền vững. Trong khi đó Trung Hoa dùng bạo lực và độc tài cưỡng ép dân chúng lao động sẽ đem hậu quả tai hại cho nước họ về sau.

Do đó, Việt Nam cần Tây phương hóa mau chóng. Để khoa học, kỹ thuật cùng các giá trị tốt đẹp của phương Tây phát triển trên đất nước, Việt Nam mới có thể điều chỉnh và bảo tồn các giá trị cổ truyền tốt đẹp của dân tộc. Việt Nam sẽ bị xáo trộn trong khi phát triển, nhưng không bị gián đoạn lịch sử và tan rã xã hội. Cắc chắn rằng nếu ở ngoài vòng chi phối của Trung Cộng, nước ta sẽ phát triển nhanh chóng hơn họ bội phần.

Vậy “không thể binh vực được sự gắn liền vận mạng công cuộc phát triển của chúng ta với vận mạng công cuộc phát triển của Trung Cộng”, “mù quáng hy sinh quyền lợi của dân tộc Việt Nam cho quyền lợi của dân tộc Trung Hoa”

Tuy nhiên, cho tới nay, sự tổng kết cho kết quả đau lòng: Trong khi cơ hội phát triển đã đến từ hai mươi năm nay thì: Từ mười năm nay, Bắc Việt chưa thực hiện được những mục tiêu phát triển đáng kể,  Các thực hiện phát triển của Nam Việt đều bị du kích quân Bắc Việt phá hoại.
Sau hai mươi năm, và sau khi tiêu hao bao nhiêu sinh lực của dân tộc, chúng ta đã đạt được kết quả kể trên. Như thế thì, các nhà lãnh đạo của chúng ta có phải đã đi đúng đường hay không? ([36]).

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM
PHẦN IV (A): MỘT LẬP TRƯỜNG THÍCH HỢP VỚI CÁC NHẬN XÉT TRÊN
Trong khi phân tích lịch sử để hiểu Chính Đề hiện nay của dân tộc (Phần I và II), cùng với kiểm điểm các “vốn” chúng ta có để giải quyết Chính Đề (Phần III), chúng ta đã đề cập một phần những suy nghĩ về các Giải Pháp.
Phần IV này tổng kết và nêu lên minh bạch toàn bộ các Giải Pháp được đề nghị. Cần nói rõ Cai Trị Độc Tài là một biện pháp dễ mà chúng ta không chọn bởi vì chúng ta vững tin rằng:
1) Sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề dân tộc đã được đặt trên căn bản vững chắc của sự kiện lịch sử.
2) Đời sống tập thể chịu chi phối bởi qui luật Thăng Bằng Động Tiến. Thăng bằng động tiến giữa quyền lợi của tập thể và của cá nhân, giữa những điều kiện bên trong và điều kiện bên ngoài… Thể chế Dân Chủ giúp chúng ta giữ gìn thăng bằng động tiến hữu hiệu hơn.

Vậy ta sẽ xem nên có thái độ nào trong các lãnh vực dưới đây:

Vấn đề lãnh đạo
Quan niệm về lãnh đạo liên hệ chặt với chính thể một quốc gia. Thế giới hiện nay có 2 kiểu chính thể chính: chính thể Độc Tài Đảng Trị (quan niệm lãnh đạo bằng cưỡng bách) và chính thể Dân Chủ Pháp Trị (lãnh đạo bằng thuyết phục).
Quan niệm lãnh đạo: Chúng ta nên biết rằng chọn quan niệm về lãnh đạo nào là do những sự kiện lịch sử thực tế quyết định chớ không phải do những quan điểm triết lý trừu tượng.
Nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm rất lớn trong việc duy trì sự thăng bằng giữa quyền lợi của tập thể và cá nhân, để cộng đồng tiếp tục phát triển. Trong thực tế sự thăng bằng này thường xuyên bị đe dọa phá vỡ bởi:

1) Các nguyên nhân bên trong: Nội loạn hay các thay đẩi sâu sắc khi cơ cấu xã hội thay đổi (cách mạng khoa học kỹ thuật…)
2) Các nguyên nhân bên ngoài: Ngoại xâm. Có khi chỉ là ngoại xâm như các lần Tàu mang quân đánh ta. Có khi vừa có ngoại xâm, rồi cùng lúc ngoại xâm kích thích thay đổi cơ cấu xã hội như khi Pháp chiếm nước ta.

Khi mất thăng bằng, sự phát triển bị kìm hãm. Thăng bằng bị mất nghiêm trọng nhất khi cùng lúc nước bị ngoại xâm và xã hội bị thay đổi cơ cấu.
Việt Nam ta hiện đang bị mất thăng bằng nghiệm trọng là hậu quả của 80 năm Pháp thuộc để lại, cộng với sự mất thăng bằng do chịu ảnh hưởng quá mạnh bởi sự tranh chấp hai khối Cộng Sản và Tự Do.

Vậy ta nên có quan niệm lãnh đạo nào, thể chế nào để đem lại thăng bằng cho quốc gia? Trước khi bàn sâu hơn, ta nên xem xét kỹ quan niệm lãnh đạo Cộng Sản, một việc ảnh hưởng lớn tới quan niệm lãnh đạo và thể chế cho Việt Nam.

Thuyết Cộng Sản phát sinh: Thuyết này ra đời khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng làm nội bộ xã hội phương Tây mất thăng bằng trầm trọng. Thuyết này quá chú trọng tới các khuyết điểm trước mắt mà phủ nhận hệ thống các giá trị tiêu chuẩn đã trở thành di sản văn minh nhân loại, do đó đem tới nguy cơ tiêu diệt tất cả di sản của văn minh nhân loại trong mấy nghìn năm.

Các nhà lãnh đạo Tây phương đã từ chối phương thuốc độc hại, và nỗ lực tìm những phương thuốc khác. Họ đã thành công một cách thuyết phục, khiến phương Tây vừa thâu nhận lực lượng sản xuất mới, vừa tạo thăng bằng động tiến xã hội, do đó càng phát triển hùng mạnh. Từ đó, dân chúng phương Tây không còn ủng hộ thuyết Công Sản nữa.
Thuyết Cộng Sản biến thành lợi khí của nước Nga: Nước Nga vốn có lịch sử đấu tranh lâu dài với Tây Âu. Đầu thế kỉ 19, nước Nga lạc hậu muốn chống lại Tây Âu cường thịnh, và họ nhìn thấy ở chủ nghĩa Cộng Sản một lợi khí sắc bén cho tham vọng chiến thắng của dân tộc họ.

Tự nhận là người bảo vệ và phát triển thuyết Cộng Sản, Nga có các lợi ích:
1) Lãnh đạo các công đoàn lao động, đảng Cộng Sản trong lòng Tây Âu,
2) Lãnh đạo các nước thuộc địa chống lại Tây Âu bằng cách thêm vào vào thuyết Cộng Sản tinh thần Giải Thực.

Thuyết Cộng Sản nhập cảng vào Á Châu và Việt Nam: Lúc bấy giờ, Tây phương thống trị phần còn lại của thế giới và đô hộ rất nhiều nước. Từng nước thuộc địa không thể đánh bại kẻ thống trị, cho nên đa số họ chọn liên minh với Nga để phong trào giành độc lập có tầm vóc thế giới và dễ thành công hơn.

Tác dụng của lý thuyết Cộng Sản:
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chọn làm đồng minh với Nga. Như đã phân tích, đây là lí do khiến việc giành độc lập của Việt Nam tốn quá nhiều xương máu. Ta kính trọng lòng anh dũng, chí quật cường, của những kẻ hi sinh vì nghĩa lớn, nhưng ta phải trách người lãnh đạo đã quá phí phạm sinh lực của cộng đồng. Sinh lực này đâu phải chỉ để giành độc lập, mà chủ yếu để phát triển dân tộc sau đó, và đây mới là mục đích chính của chúng ta ([37]).

Việc đi theo thuyết Cộng Sản có ích lợi cho việc phát triển hay không?

Khác với Nga và Tàu, vốn chỉ xem thuyết Cộng Sản là lợi khí để phục vụ quyền lợi dân tộc, Bắc Việt lại tôn thờ thuyết này. Ta đã thấy, quan niệm lãnh đạo của Cộng Sản là Độc Tài Đảng Trị, nếu nó có thể mang tới vài thành công ngắn hạn, lại gây nhiều đổ vỡ về lâu dài cho dân tộc. Hơn nữa, khác với Nga và Tàu, Việt Nam nhỏ hơn nên dễ phát triển thành công mà không cần các biện pháp hao tốn sinh lực. Sự nghiệp Tây phương hóa của chúng ta dễ thành công bằng biện pháp Dân Chủ Pháp Trị. Nước Nhật hùng mạnh mà không cần thuyết Cộng Sản là một tấm gương phát triển cho Việt Nam.

Việc đi theo thuyết Cộng Sản có ích lợi cho việc bảo vệ chủ quyền hay không?

Chính thể Độc Tài Đảng Trị cưỡng bức dân chúng bất chấp ý nguyện của họ tạo sự chia rẽ trầm trọng với dân chúng. Một quốc gia như vậy tất nhiên không tận dụng được sức toàn dân khi có ngoại xâm.

Việt Nam ta có mối liên hệ rất đặc biệt với Trung Hoa, và ý đồ bất biến và liên tục của họ là xâm lăng Việt Nam. Đi theo thuyết Cộng Sản, trên thực tế nghĩa là chúng ta trở lại qui phục Tàu sau một thế kỉ đã thoát ra và bình đẳng với họ. Và lần này ách thống trị của họ trên con cháu chúng ta sẽ bội phần ác nghiệt! ([38]Chỉ nghĩ đến cái viễn ảnh ngàn năm lệ thuộc Trung Cộng mà các nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc đang sửa soạn cho dân tộc, chúng ta cũng phải khiếp đảm, thoáng nhìn vận mạng cực kỳ đen tối cho các thế hệ tương lai.

PHẦN IV (B): TƯ TƯỞNG, PHƯƠNG PHÁP và HÌNH THỨC
Như đã phân tích trên, chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản, tư tưởng Cộng Sản, phương pháp Cộng Sản, hình thức Cộng Sản. Trong lúc đó, cần minh bạch rằng: Các kỹ thuật như lối làm việc tập thể hay tổ chức quần chúng mà chúng ta ngộ nhận là của Cộng Sản, thực ra là do Cộng Sản học của phương Tây. Chính lối làm việc tập thể và sự tổ chức tinh vi trong mọi lĩnh vực của đời sống là nguồn gốc sinh lực của Tây phương.

Bộ máy lãnh đạo.
Chủ nghĩa Cộng Sản do phương Tây tạo ra. Bộ máy lãnh đạo của Cộng Sản cũng vậy. Sự khác biệt hiện nay là: Cộng Sản hiện nay dùng bộ máy đó để thực hiện phương pháp lãnh đạo Độc Tài Toàn Trị của họ. Các quốc gia Tây phương dùng bộ máy này để thực hiện phương pháp lãnh đạo Dân Chủ Pháp Trị.

Chúng ta không chấp nhận phương pháp lãnh đạo Độc Tài Toàn Trị của Cộng Sản, chứ không đập phá toàn bộ bộ máy đó. Nhiều thành tố của bộ máy đó là từ kinh nghiệm, văn hóa chung của nhân loại trước khi có thuyết Cộng Sản.

Tuy nhiên, giữ bộ máy như thế nào, cải biến nó thế nào cho thích hợp với nền Dân Chủ Pháp Trị là việc phức tạp. Trước khi xem bộ máy này nên áp dụng vào Việt Nam như thế nào, chúng ta sẽ cùng nhắc lại các yêu cầu chung về bộ máy:
Hình thức của bộ máy lãnh đạo, hiện nay của Tây phương, phải thỏa mãn những điều kiện dưới đây:

1) Bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia
2) Bảo đảm sự chuyển quyền một cách hòa bình từ lớp người lãnh đạo trước cho lớp người lãnh đạo sau
3) Bảo đảm sự thay đổi người lãnh đạo
4) Bảo đảm được sự áp dụng nguyên tắc thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể.
Ngoài bốn điều kiện trên, bảo đảm tinh thần trường cửu của bộ máy lãnh đạo, ba điều kiện dưới đây bảo đảm sự điều hành thiết thực và ngắn hạn của bộ máy lãnh đạo.
5.- Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia mở rộng, mục đích đào tạo nhiều người lãnh đạo.
6.- Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự kiểm soát người cầm quyền.
7.- Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự hữu hiệu của chính quyền.

Áp dụng vào Việt Nam.
Chúng ta đã biết rằng nguồn gốc chính của sức mạnh của các cường quốc, như Anh hay Mỹ, là sự thành công của họ trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia trong nhiều thế kỷ. Muốn thực hiện được sự liên tục lãnh đạo quốc gia nói trên, một bộ máy lãnh đạo phải thỏa mãn ba điều kiện:
1) Khi cần có thể thay đổi người lãnh đạo, 2) việc chuyển quyền được bàn giao ôn hòa và xây dựng, và 3) sự lãnh đạo quốc gia liên tục phải được thể hiện một cách vừa có tính tượng trưng, vừa có tính thực tế.
Ta có thể thấy ngay rằng chính thể Độc Tài Đảng Trị không thể đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Lược qua các hình thức chính thể của khối Tự Do, chúng ta thấy, trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, hình thức Quân Chủ Lập Hiến đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trên. Rất tiếc là triều Nguyễn không được duy trì để có vai trò đại diện cho nước Việt Nam.
Do vậy, chúng ta có thể tạo một chính thể với các thành phần như sau:
a) Thượng hội đồng quốc gia, gồm những người có công trạng với tổ quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia. Thượng hội đồng sẽ tượng trưng cho sự lãnh đạo liên tục quốc gia, và sẽ bầu một Quốc Trưởng.
b) Giao quyền hành pháp cho Thủ Tướng, là người của một chính đảng. Thủ tướng do Quốc Trưởng bổ nhiệm. Điều này bảo đảm sự thay đổi người lãnh đạo và sự chuyển quyền ôn hòa.

Hai khuynh hướng (lưỡng đảng)
Hai yếu tố chính, trong trạng thái thăng bằng động tiến của một quốc gia, là quyền lợi ngắn hạn của cá nhân của các phần tử trong tập thể và quyền lợi dài hạn của tập thể.
Hệ thống lưỡng đảng, một đảng chú trọng hơn quyền lợi ngắn hạn của cá nhân và một đảng chú trọng hơn quyền lợi dài hạn của tập thể. Các nhà lãnh đạo của hai đảng thay nhau nắm quyền hành pháp. Quốc gia sẽ cung cấp phương tiện hoạt động cho đảng cầm quyền và cho đảng đối lập.
Đại diện của hai đảng thi hành nhiệm vụ của mình ở nghị trường. Và nhiệm vụ đó là lập pháp và kiểm soát hành pháp.

Do trình độ dân trí hiện tại, nhiệm vụ lập pháp không thể hoàn toàn giao phó cho tổ chức nghị trường được. Nên có một một tổ chức lập pháp chuyên môn, gồm những nhà luật học về hiến pháp và luật pháp. Tổ chức nghị trường có thể đề nghị dự án luật, phản đối hay chấp nhận dự án luật.

Hai đảng chính trị có nhiệm vụ mở rộng vấn đề lãnh đạo và đào tạo nhiều người lãnh đạo.
Dưới bộ máy lãnh đạo, có bộ máy hành chính, bộ máy quân sự và bộ máy tổ chức quần chúng. Bộ máy lãnh đạo là cái não, bộ máy hành chính và bộ máy quân sự là chân tay, và bộ máy tổ chức quần chúng là trung gian đưa bộ máy lãnh đạo đến nhân dân và đưa nhân dân đến bộ máy lãnh đạo.

Một hệ thống như vậy giữ trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể, là điều chính yếu trong sự lãnh đạo quốc gia. Nhờ đó sự ổn định quốc gia được duy trì.
Như chúng ta thấy, giải pháp được đề nghị trên được học hỏi từ phương Tây. Nhưng chúng ta không theo cái hình thức bề ngoài, mà theo cái bản chất. Học cái nguyên tắc của bản chất đó rồi chúng ta sẽ xây dựng một bộ máy lãnh đạo phù hợp nhất với hoàn cảnh, tính chất của nước ta, hữu hiệu nhất cho sự phát triển dân tộc chúng ta.
Nguyên tắc đó là gì? Là tính cách ngăn nắp của các bộ phận của bộ máy lãnh đạo. Tính cách phân minh của sự phân chia trách nhiệm và quan niệm chính xác về sự liên hệ giữa các trách nhiệm.

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM – KẾT LUẬN
Chúng ta nên theo lời dạy của đức Phật: Phải biết TRỤ mà không TRỤ ([39]). Một lời dạy thâm sâu bao trùm các lẽ tiến hóa trong vũ trụ.
Quốc gia cần một chủ thuyết, một sách lược… để phát triển cộng đồng. Cần một thời gian để thi hành chủ thuyết, sách lược đã được chọn lựa. Khi thời đại đã khác, các vấn đề và yêu cầu của cộng đồng đã khác, quốc gia cần chọn một lý thuyết, một sách lược… mới thích hợp với thời đại mới. Có như vậy mới bảo vệ được các thành tựu đã đạt được và cùng lúc có đường tiến cho tương lai.

Nhưng, cái gì là căn bản để chúng ta dựa vào mà quyết định chọn, giữ hay buông một thuyết, một chính sách, một chiến lược? Cái căn bản là VỊ TRÍ DÂN TỘC. VỊ TRÍ DÂN TỘC mà chúng ta quan niệm là một vị trí dân tộc nằm trong khung cảnh thế giới, với tất cả các dây liên hệ tinh thần và vật chất cần phải có ([40]).

Các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở miền Bắc đã trụ vào lý thuyết Cộng Sản trong thời kỳ tranh giành độc lập. Điều này cũng đúng một phần nào. Tuy nhiên bây giờ không THOÁT khỏi chủ nghĩa Cộng Sản thì: a) sự phát triển của dân tộc sẽ bế tắc, và b) mở cửa đưa các thế hệ sau này vào vòng lệ thuộc rồi bị xâm chiếm bởi Trung Cộng.

…Vì vậy cho nên, công cuộc chống sự xâm lăng của miền Bắc, không lúc nào khẩn thiết cho cộng đồng dân tộc Việt Nam bằng trong lúc này.
Và vì vậy cho nên, chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương tiện Cộng Sản nữa([41]).


T.Q.C

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts