Đại Học chăn Trâu




Tuesday 28 October 2014

Chuyện ngớ ngẩn “King Maker” hay “Dựng Vua”

 

Chuyện ngớ ngẩn “King Maker” hay “Dựng Vua”

Trong mùa bầu cử ở nhiều đoàn thể, khắp mọi nơi, người ta thường nghe những thuật ngữ sáo mòn, vô nghĩa, và thậm chí, ngớ ngẩn: “king maker” hay “dựng vua”. Người thì viện sử tàu, kẻ viện sử tây, ra điều thông kim bác cổ, rồi kháo nhau “đúng rồi”, “hay quá”, truyền bá cho rộng, miễn sao hợp ý và có lợi cho phe cánh; nhưng điều cốt lõi đáng nói là không mấy ai nhận ra “king” hồi xưa là vua thật, là con trời (thiên tử), làm chủ cả một giang sơn, toàn quyền sinh sát. Các vị nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng  ngày nay bị chia xẻ quyền lực, tam quyền phân lập, còn cánh đệ tứ quyền thì soi rọi vào ba cơ quan kia để tìm cái sai mà bình phẩm. Bởi vậy, chuyện “dựng vua” chỉ còn lưu dấu trong tuồng tích, sách sử hay trong những cái đầu lạc hậu; ngày nay chẳng ai nói “president maker” hay “prime minister maker” bao giờ.

Vua thì không có, nhưng tưởng mình là vua thì nhan nhản đầy ra trong xã hội. Mấy ông bà đứng đầu các đoàn thể Việt Nam hải ngoại là vua giả, vua giấy, chẳng có quyền, không có lợi, chỉ có chút danh, thường khi là hão. Một số các ông các bà khi được bầu lên, được khen nịnh, cứ tưởng mình cha mẹ của đoàn thể, coi hội viên là con cháu trong nhà. Một số ít hội viên, kể cả giới trí thức, lại sẵn sàng khòm lưng khuất phục các bậc “dân chi phụ mẫu”, càng sinh cảnh trái ngang.

Gần 20 năm trước đây, mỗi khi nhắc tới nhà văn Viên Luông, tôi hay mở ngoặc, chú thích ngay “không phải con Viên Linh”. Sở dĩ có chuyện đó, vì Viên Luông viết trên báo rằng “chủ tịch Văn Bút như cha mẹ, còn hội viên chúng ta là con cái, con cái phải nhớ ơn cha mẹ”. Viên Luông lúc đó là chủ tịch Trung tâm Văn Bút Nam Cali còn Viên Linh là chủ tịch Văn Bút hải ngoại, cả hai ông cùng có chữ “Viên” trong bút hiệu, nếu không chú thích cho rõ, độc giả sẽ thắc mắc, không biết giữa hai “Viên”, viên nào to hơn viên nào!

Mới đây cũng trong Văn Bút, một ông nhà văn khác đem thuyết “quyền huynh thế phụ” ra dạy bảo hội viên không được xung chàng với chủ tịch. Thật hết nước nói! Không biết có phải vì thế mà trong Văn Bút lâu lâu lại nẩy ra một cái ung, của những người muốn nhảy lên bàn độc, ứng xử như thể họ là cha già dân tộc?

Xã hội tây phương có đầu óc thoáng đạt và thăng bằng hơn. Họ không gọi cái công việc đi tìm “người hiền” ra giúp hội là “dựng vua”, mà gọi là xây dựng nhân sự cho đoàn thể. Ở tầm mức lớn hơn, đi kiếm phiếu cho ứng cử viên, hay cho một dự luật, người ta gọi là “vận động” (lobby), có luật lệ qui định rõ ràng, ở Mỹ gọi là Lobbying Act, từ 1946. Người vận động bầu cử cho người khác còn gọi là campaigner, có luật Dân quyền (Civil Rights Act) qui định. Campaigners và lobbyists của Mỹ phần lớn có lương hay công tác phí; còn “king maker” trong cộng đồng người Việt uống nước lã cầm hơi, không tiền tài, không danh vọng, thường khi còn không cả một lời cảm ơn, trong khi nghe chửi thì đầy cả hai cái lỗ tai!

Điều quan trọng mà người đời ít khi nhận ra, là cho dù có “president maker”, có “lobbyist” gì gì đi nữa, lá phiếu của cử tri là yếu tố quyết định và cử tri tự chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của họ. Người ta có thể trách một ông tổng thống vì ông ta quá kém, không ai đổ tội cho người vận động kiếm phiếu, trừ những người tự coi thường khả năng phán đoán của chính họ. Họ để bị dẫn dắt, hoặc bầu cho người không xứng đáng, nếu là cử tri, hoặc bị mê hoặc do tính ham danh mù quáng.

Vài người trong các đoàn thể có tôi tham gia, mỗi khi thấy một anh chủ tịch lôi thôi thì lôi tôi ra gán cho cái tội “dựng” ra “vua” tồi, rồi trách. Một anh khác chưa từng làm lớn làm bé gì trong đoàn thể, tự anh cựa quậy rồi nhập vào dòng chính, bị VC cho vào xiếc, người ta cũng xa gần ghép tội tôi. Hóa ra cái bóng của “king maker” là tự họ vẽ ra, cho nó mang hia đội mão, gắn lên đó đủ thứ quyền hành rồi mang ra mà đổ lỗi khi thất bại.

Điều đáng buồn cười, lắm cậu viết khơi khơi rằng NHN dụ tôi ra ứng cử mà tôi không thèm. Nếu coi lời NHN vô giá trị thì dụng tâm ghi nhớ làm gì cho mệt óc! Còn như lời NHN đáng ghi tâm khắc cốt thì rõ là NHN có nhiều khả năng và quyền lực trong quá. Thế là thế nào? Quí vị chọn một trong hai thôi chứ!

Biết vậy nhưng vẫn cứ nói. Không được “make” thành “king” thì thù. Dăm bảy năm trước đây một cậu trong đoàn thể nọ mời tôi tới chơi, nói thẳng rằng nếu cậu mà làm chủ tịch, cậu sẽ có chương trình nọ chương trình kia hay lắm. Nghe vậy thì mừng cho đoàn thể, nhưng tôi không có cây đũa thần để chỉ vào người nào, “phụp” một cái thì thành chủ tịch; tôi chỉ có khả năng hướng dẫn đường đi nước bước để cậu tự trau giồi, tu thân và tiến thân. Xét thấy cậu “cũng được” -- nghĩa là có học hành, viết lách, suy nghĩ, trình độ sinh ngữ khá, đủ để đi họp quốc tế -- tôi nên đề nghị cậu trước khi ra chủ tịch, hãy ứng cử vào làm tổng thư ký hay phó chủ tịch một nhiệm kỳ để tập việc và để tạo tên tuổi, quen lớn trong hội. Cậu nói không có ai xứng đáng để cậu làm “dưới”, và từ đó cậu giữ khoảng cách với tôi. Về sau, khi nghi rằng tôi đang ủng hộ ai khác ra tranh cử trong một đoàn thể, cậu viết bài dè bỉu tôi là “king maker”. Thật là oan ức! Nếu tôi có khả năng “chế tạo” ra vua, tôi sướng lắm và nhận ngay, chẳng bao giờ phải chối.

Gần đây, nhân thấy nhân sự trong đoàn thể đang lão hoá mà không có lớp người mới thay thế, tôi khuyên một cậu khác ra ứng cử. Cậu này tôi không quen, chỉ biết, nhưng chưa từng gặp mặt, chưa nói chuyện trên điện thoại, chỉ trao đổi điện tử thư. Thấy cậu có đủ điều kiện mà tổ chức đang khi cần người, tôi khuyến khích cậu, là vì lợi ích chung, muốn cho đoàn thể mà mình là hội viên có nhân sự điều hành xứng đáng, làm đẹp mặt cho cả hội, chứ riêng tôi ăn cái giải gì mà ôm rơm cho rợm bụng! Và cậu ra ứng cử thật, và rồi cậu viết bài “dựng vua” cũng cùng một mục đích dè bỉu xa gần. Tôi chưng hửng, không hiểu “dựng” cậu ra làm “vua” thì tôi được cái gì, trong khi tốn phí bao giờ thì giờ, giấy má, nước bọt để giới thiệu và vận động cho cậu!

Từ câu chuyện hai cậu vừa kể, tôi đâm ra nghi ngờ rằng, hay là người ta nghĩ mình là Lã Bất Vi tân thời thật, nâng ai lên thì người đó cứ việc leo lên làm chủ tịch, chả phải năng động cựa quậy gì. Nếu tôi vạch ra chương trình bốn bước  “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” như người xưa làm, cậu thấy nhiêu khê quá nên nghĩ rằng tôi không chọn cậu, chỉ từ chối khéo và cậu nuôi lòng thù. Còn cậu kia, có khi cậu nghĩ rằng tự cậu trèo lên ngai, cần gì ai nâng với đỡ, nên chưa kịp qua sông mà cứ đấm… vào sóng, khỏi mang ơn, dù vẫn biết chả có ơn gì mà mang! Tội nghiệp cho thằng tôi!

(nhn)




__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?Vi-b=C3=A1o_v=C3=A0_nxb_L=C3=A0ng_Van?= <nxb.langvan@yahoo.ca>


No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts