Báo VN tố công an 'bôi
nhọ' đất nước
- 27
tháng 10 2014
Trong một bài báo mới
đăng hôm thứ Hai 27/10, báo Giáo dục Việt Nam công khai chỉ trích phương pháp
phòng chống tội phạm của Công an TP HCM.
Các sai phạm của cán bộ
chiến sỹ ngành công an gần đây không phải là không được phản ánh trên báo chí,
nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi toàn ngành công an ở đô thị lớn nhất
Việt Nam bị chỉ trích nặng nề như thế này.
Bài viết của tác giả
Xuân Dương nói về "sáng kiến" phân phát tờ rơi cảnh báo tội phạm cho
khách du lịch nước ngoài của công an thành phố.
Bài này đặt câu hỏi:
"Công an TP HCM đã 'sáng tạo' ra kiểu bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người
Việt Nam và thanh danh đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước?"
Những tờ rơi mà Công an
phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 TPHCM phát cho khách du lịch có nội dung khuyến
cáo họ tự bảo vệ tài sản cá nhân ở nơi công cộng.
Trong đó có những câu
như: "Tội phạm bạo lực rất thường xảy ra ở TP HCM. Hãy giữ túi của quý vị
ở gần bên người, đừng mang trang sức quý và đừng phô trương máy ảnh hay điện
thoại".
"Đừng tin đồng hồ
trên xe taxi. Ăn chặn tiền của khách là nghệ thuật của các lái xe không
trung thực. Hãy sử dụng các hãng taxi có uy tín như Vinasun và Mai Linh."
Theo Giáo dục Việt Nam,
"đọc xong những dòng chữ in trên tờ rơi này, người Việt (và đương nhiên cả
người nước ngoài) buộc phải cho rằng Công an TP HCM đã 'sáng tạo' ra phương
cách 'tốt nhất' nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và cũng là
bôi nhọ thanh danh chính đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước".
Bài báo nhận xét việc
công an sở tại lưu ý người nước ngoài rằng tại thành phố mình đang quản lý
thường có tội phạm hay đồng hồ trên taxi không chính xác "thì mới thấy
lần đầu tại TP HCM và Việt Nam".
"Không chỉ có thế,
việc một cơ quan nhà nước khuyến cáo du khách chỉ sử dụng dịch vụ của hai hãng
taxi Vinasun và Mai Linh còn là hành động vi phạm luật cạnh tranh trong kinh
doanh thương mại trên địa bàn thành phố."
Nhiều lãnh đạo
Báo Giáo dục Việt Nam
cũng vạch ra một số bất cập khác trong hoạt động của Công an thành phố.
Báo này nói Công an TP
HCM có tổng cộng tám vị lãnh đạo gồm bốn thiếu tướng và bốn đại tá.
"So sánh quân hàm
và chức vụ công an với bên quân đội, bốn đại tá tương đương bốn sư đoàn trưởng,
bốn thiếu tướng tương đương bốn tư lệnh/chính ủy quân đoàn hoặc tư lệnh/chính
ủy binh chủng. Giả thiết một quân đoàn gồm 3 sư đoàn thì cấp bậc của lãnh đạo
Công an TP HCM tương đương với cấp chỉ huy 16 sư đoàn chính quy!"
Bài báo đặt câu hỏi:
"Với đội ngũ lãnh đạo cao cấp như thế, bên dưới là một lực lượng hùng hậu
gồm công an phường, quận, thành phố, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh
sát giao thông, các đội săn bắt cướp và còn một trung đoàn cơ động (khoảng 600
chiến sỹ) từ Bộ Công an chi viện, vậy tại sao tình hình vẫn tồi tệ, không được
cải thiện?"
Hiện Công an TP HCM
chưa có phản hồi gì về chỉ trích trực diện này.
Giáo dục Việt Nam là tờ
báo của Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Tuy
nhiên báo này được biết là có nhiều bài viết về mảng quân sự-quốc phòng.
HRW phê phán công an VN
'bạo hành'
- 16
tháng 9 2014
Nạn công an bạo hành ở
Việt Nam có một phần căn nguyên là do lực lượng này từ lâu đã xác định mình
là ‘công cụ chính trị để bảo vệ chế độ chống lại các thế lực thù địch’, Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đặt ở Mỹ, nhận định trong bản phúc trình vừa
công bố hôm thứ Ba ngày 16/9.
Đây là lần đầu tiên HRW ra phúc trình về tình
hình bạo lực của công an Việt Nam đối với những người bị giam giữ dưới tiêu đề
‘Công (bất) an: Những cái chết trong trại giam và sự bạo hành của công an Việt
Nam’.
Bản phúc trình thuật
lại trường hợp 14 nạn nhân mất mạng và bốn người chết không rõ nguyên do, sáu
người được cho là ‘tự tử’ và bốn người nữa chết ‘vì bệnh’. Tất cả đều xảy ra
trong trại tạm giam hay đồn công an.
Nguyên nhân bạo hành
Theo phân tích của HRW,
yêu cầu bảo vệ chế độ khiến công an Việt Nam đặt nặng yếu tố ‘trung thành
với chế độ’ trong việc tuyển dụng và đào tạo lực lượng. Điều này khiến công
an Việt Nam ‘không được chuyên nghiệp hóa một cách thật sự’.
Một nguyên nhân quan
trọng nữa, theo HRW, là việc lực lượng công an cấp xã, phường ‘thiếu được đào
tạo’ về luật pháp và nghiệp vụ.
“Có trường hợp có những người dân được trao sắc
phục và vũ khí để làm công tác trật tự trị an ở địa phương,” ông Phil
Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, bình luận trước báo giới trong
buổi công bố bản phúc trình ở Bangkok.
Và khi đối tượng bị bắt
giam ở đồn công an thì luật sư bào chữa hay người trợ giúp pháp lý ‘hầu như
không đóng vai trò gì trong quá trình tạm giữ và lấy lời khai’, theo báo cáo
của HRW.
Tổ chức này cũng chỉ ra
rằng chính quyền Việt Nam ‘không có ý chí nghiêm túc và có hệ thống để trừng
phạt những công an viên bạo hành’.
Theo HRW thì công an
phạm tội chỉ bị ‘kỷ luật nội bộ nhẹ’, ‘hiếm khi bị hạ bậc hay buộc ra
khỏi ngành’. Bị truy tố hay kết án ‘lại càng hiếm hơn nữa’ và nếu có bị xử thì
‘chỉ nhận mức án nhẹ hay án treo’.
Một nguyên nhân khác
của tình trạng công an Việt Nam bạo hành là ‘thiếu hệ thống giám sát, kiểm
tra chéo... khả dĩ hạn chế sự lạm quyền của công an’, phúc trình của HRW viết.
Ngoài ra, việc báo chí
bị chính quyền kiểm soát và kiểm duyệt đã khiến họ đưa tin về các vụ bạo hành
của công an ‘chưa đầy đủ, thiếu chiều sâu và không đi đến truy cứu trách
nhiệm’.
Ông Robertson cho rằng có một số vụ lúc đầu báo
chí Việt Nam nói nhiều nhưng ‘sau đó chìm nghỉm’ mà ông cho rằng có thể có sự
đe dọa của công an.
“Ở Malaysia có khoảng 12 trường hợp (cảnh sát
bạo hành) mỗi năm và tất cả những vụ việc đều được báo chí nói nhiều,” ông so
sánh và cho biết đó là lý do số vụ cảnh sát bạo hành ở Malaysia được nắm rõ.
‘Khủng hoảng nhân quyền’
“Chúng tôi đã nhận thấy
có một cuộc khủng hoảng nhân quyền trong công tác thường ngày của lực lượng
công an Việt Nam,” ông Robertson nói tại buổi họp báo, “Chúng tôi tin rằng
những gì chúng tôi đưa ra hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.”
Theo vị phó giám đốc
châu Á của HRW thì tổ chức này đã ghi nhận các trường hợp công an bạo hành ở
44 trong số 58 tỉnh thành của Việt Nam nhưng họ không thể thống kê chính xác
con số các vụ việc.
Ông Robertson cho biết
nạn nhân là ‘những nông dân, doanh nhân, tiểu thương, sinh viên và những thành
phần khác bị công an bắt... và cuối cùng đã chết hay bị thương do bị đánh đập’
và họ thường chỉ phạm những tội thông thường như ‘cãi lộn với hàng xóm, chạy
xe quá nhanh hay ăn cắp vặt’.
“(Công an) đánh đập bằng tay, chân, dùi cui,
giày hay đôi khi là bất cứ thứ gì họ có được chẳng hạn như roi hay cán chổi,”
ông nói.
HRW cho biết bản phúc
trình này dựa trên những thông tin họ thu thập được từ báo chí chính thống của
Việt Nam, từ thông tin của những nhà báo tự do, những blogger độc lập và từ
các hãng thông tấn truyền thông nước ngoài.
Tuy nhiên, HRW đã quyết
định không phỏng vấn thêm các nạn nhân và nhân chứng do ‘lo sợ họ sẽ bị công an
trả thù’.
Ông Robertson cho biết
HRW đã viết thư cho Bộ Công an và các cơ quan liên quan của Việt Nam để nhờ
xác nhận và trả lời một số vấn đề nhưng ‘họ đã không trả lời’.
HRW kêu gọi nhà chức
trách Việt Nam ‘không khoan dung với tình trạng bạo hành của công an’, ‘đào
tạo đầy đủ cho công an ở mọi cấp’, ‘lắp camera giám sát ở các phòng giam và
phòng xét hỏi’, ‘tạo điều kiện cho các bị can tiếp xúc luật sư’ và ‘đảm bảo
quyền tự do đưa tin của các nhà báo’.
Ngoài ra, HRW còn khuyến
nghị Việt Nam nên có một cơ quan độc lập để xem xét và điều tra các khiếu
nại về việc bạo hành của công an.
“Các tổ chức Liên Hiệp
Quốc và các nhà tài trợ quốc tế giúp Việt Nam xây dựng nền pháp trị không nên
cho phép những hành động như thế này tiếp diễn,” thông cáo báo chí của HRW
viết.
Việt Nam chưa phản ứng
về báo cáo của HRW. Nhưng những phúc trình trước đây của HRW đều bị chính phủ
Việt Nam bác bỏ và phê phán.
No comments:
Post a Comment
Thanks