Đại Học chăn Trâu




Friday, 24 October 2014

Thư số 36b gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam


 
                           
                        Thư số 36b gởi:
                        Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
                                                                                   Phạm Bá Hoa

                        

Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”.
Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi bị tù đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi.
Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc, trong đó có Các Anh và gia đình Các Anh!  Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương cội nguồn của tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng.
Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Sau khi màn một tạm thời ngưng lại từ ngày 6/10/2014, với thư này, tôi cùng Các Anh tiếp tục nhìn sang Hong Kong, theo dõi màn hai của phong trào sinh viên đấu tranh cho nền dân chủ của họ, đang bị lãnh đạo Trung Cộng từng bước tước đoạt. Và từ đó, tôi tin là sinh viên Việt Nam, nói chung là các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm, và nghiên cứu ứng dụng thích hợp vào hoàn cảnh Việt Nam.    
Thứ nhất. Màn hai cuộc biểu tình tại Hong Kong.
Ngày 5/10/2014, nhà cầm quyền Hong Kong đã phải nhượng bộ trước cuộc biểu tình ôn hòa, đấu tranh vì dân chủ của người dân Hong Kong, chấp nhận ngồi lại đàm phán về việc cải cách chính trị. Vì vậy mà phong trào biểu tình quyến định rút lui theo đề nghị của nhà cầm quyền Hong Kong, chuẩn bị cho cuộc đàm phán vào ngày 10/10/2014.
Ngày 9/10/2014, theo bản tin của Reuter thì lãnh đạo Hong Kong hủy bỏ cuộc đàm phán với sinh viên, mà lẽ ra ngày mai là bắt đầu. Tổng Thư Ký Hong Kong, bà Carrie Lam viện dẫn lý do: “Sở dĩ cuộc đối thoại bị hủy bỏ vì yêu cầu phổ thông đầu phiếu đã phản lại các nguyên tắc luật pháp của Hong Kong, và sinh viên lên tiếng kích động làm mất trật tự thành phố”.
Ngày 10/10/2014, hằng ngàn sinh viên vội vã vác lều quay lại hiện trường biểu tình, mặc dù Cảnh Sát Hong Kong đã kêu gọi giải tỏa các đường chánh của thành phố, và họ cũng loan báo là sẽ có hành động thích hợp với tình hình.
Wong Lai-wa, 23 tuổi, cho biết: “Tôi sẽ tham gia tranh đấu, dù lẽ ra tôi phải quay lại trường học”  Lần này các sinh viên đã dự trữ đầy đủ lương thực và nước uống như mì khô, bánh ngọt cho cuộc biểu tình có thể kéo dài. Dù cuộc tranh đấu có vẻ bị khựng lại, nhưng nhiều sinh viên cho biết họ quyết tâm không bỏ cuộc.
 Ngày 12/10/2014. “Trong khi biểu tình ở Hong Kong tiếp diễn, Anh Dickson 18 tuổi, một người biểu tình thuộc phong trào chiếm trung tâm, nói rằng chính phủ chẳng có ý tưởng là vấn đề tệ đến mức nào: “Họ chẳng bao giờ nhận thức. Vấn đề là ở đây trong khu Mong Kok và Causeway Bay này tiền thuê nhà quá cao. Và ai đứng sau việc này? Chính phủ và các nhà phát triển đô thị. Họ liên kết với nhau. Họ làm cho giá thuê nhà tăng lên”.
Thứ hai. Hỗn loạn giữa người biểu tình với người chống biểu tình.
Ngày 13/10/2014, theo bản tin của Reuter thì nhiều trăm người vũ trang bằng gậy gộc và kềm cắt kẽm đã xông vào tìm cách phá vỡ các hàng rào do các sinh viên biểu tình từ hai tuần qua dựng lên tại khu phố trung tâm của Hong Kong. Một thanh niên trong đoàn biểu tình tên John, trong lúc sửa lại các rào cản ngã đổ, cho báo chí biết: “Chúng tôi vẫn sẽ ở lại và chống đỡ, chúng tôi nhất quyết bám lại đến cùng”.  Nhưng nhiều cư dân Hong Kong bắt đầu thấy sốt ruột và mong mõi cuộc sống trở lại bình thường. 
Ngày 15/10/2014, đêm qua đã xảy ra các vụ xung đột dữ dội giữa người biểu tình với Cảnh Sát Hong Kong. Từ Hong Kong, thông tín viên Florence de Changy tường trình: “Hiển nhiên, vụ bạo hành mới của Cảnh Sát như đổ thêm dầu vào lửa đối với phong trào bất phục tùng dân sự, đang đấu tranh đòi phải có một hệ thống chính trị thực sự dân chủ tại Hong Kong. Vào khoảng 3 giờ sáng, sau nhiều giờ xô xát, đôi khi dữ dội, với một bên là Cảnh Sát dùng dùi cui, khí bột tiêu cay, và bên kia là những người biểu tình chỉ có cây dù và chai nước, Cảnh Sát lại một lần nữa tìm cách tấn công để giải tán đám đông”
“Thế nhưng, vào lúc có một người biểu tình đã bị bắt, tay bị trói bằng dây nhựa, thì một nhóm Cảnh Sát, trong số đó người mặc thường phục, đã quật người này xuống đất, và đánh đập tàn bạo. Một Dân Biểu thuộc đảng Công Dân (Civic Party), thuộc phe đối lập đã quay được toàn bộ cảnh này và cuộn băng video đã được phát trên kênh truyền hình chánh thức. Hình ảnh bộ mặt và thân thể người biểu tình bị đánh sưng vù đã gây nỗi kinh hoàng. Ngay lập tức, Cảnh Sát lên án vụ bạo hành này và cho biết viên Cảnh Sát dính líu trong vụ đánh đập người biểu tình đã bị trừng phạt, và thông báo thêm là trong vụ xô xát vào đêm qua, có 4 Cảnh Sát bị thương và 55 người biểu tình bị bắt giữ”.
 Thông tín viên Ivan Broadhead của đài VOA ghi nhận: “Các tổ chức nhân quyền và dân chúng Hong Kong rất phẫn nộ sau khi hình ảnh video cho thấy nhiều Cảnh Sát đánh đập một người biểu tình không có khí giới và bị còng tay. Video quay vào lúc sáng sớm, cho thấy các Cảnh Sát lôi người biểu tình bị còng tay tới một góc tối của một công viên ở gần đó rối đánh đập nạn nhân một cách dã man”.
Sau khi được tin anh Ken Tsang bị bắt, Nghị Viên Alan Leong, Chủ Tịch Đảng Công Dân, đã phái các luật sư tới Học Viện Cảnh Sát, nơi anh Tsang bị giam. 9 tiếng đồng hồ sau đó, toán luật sư đã hộ tống anh Tsang cùng với 7 người biểu tình khác tới bệnh viện. Nghị viên Leong phát biểu: "Việc sử dụng vũ lực, sử dụng sức mạnh của Cảnh Sát trong trường hợp này là một vụ lạm quyền trắng trợn. Chúng tôi yêu cầu Cảnh Sát bắt giam ngay lập tức 6 Cảnh Sát này và tiến hành các cuộc điều tra hình sự."
Cựu Bộ Trưởng An Ninh Hong Kong, bà Regina Ip, một thành viên thân Bắc Kinh trong Hội Đồng quản trị thành phố Hong Kong, kêu gọi dân chúng chớ nên vội vã lên án Cảnh Sát. Bà cho rằng: “Cảnh Sát đang làm việc dưới áp lực khá lớn trong lúc cuộc biểu tình đòi dân chủ bước sang tuần lễ thứ ba. Tôi tin chắc là Cảnh Sát sẽ thông qua các kênh thông thường để điều tra bất kỳ tố cáo nào về việc hành hung trái phép. Tôi tin chắc là cảnh sát sẽ thực hiện những hành động cần thiết."
Phó Chủ Tịch Hội Đồng Độc Lập về Khiếu Tố Cảnh Sát, ông Lam Tai Fai nói rằng: “Tôi hiểu được sự tức giận của công chúng. Dĩ nhiên là tôi không tán đồng việc sử dụng bạo lực, và tôi tin rằng Cảnh Sát phải đứng ra để nói một điều gì đó để giải tỏa những sự nghi ngờ của công chúng."
Sự phẫn nộ của người dân đã gia tăng sau khi có những chi tiết về vụ hành hung, kể cả những hình ảnh cho thấy anh Tsang thân thể bị bầm tím tại sở Cảnh Sát. Khoảng giữa trưa, Nghị viên Dennis Kwok, luật sư của anh Tsang, nói rằng ông không biết điều gì làm cho anh Tsang bị Cảnh Sát bắt giữ, rồi ông đưa ra lời tố cáo: “Khi anh Ken Tsang ở sở Cảnh Sát, Cảnh Sát tiếp tục sử dụng bạo lực không cần thiết đối với anh. Như quí vị thấy trong các bản tin và những bằng chứng mà tôi thu thập được, tôi nghĩ là những gì mà Cảnh Sát đã làm là rất rõ ràng. Vì vậy việc họ bị thuyên chuyển công tác là không đủ. Tôi tin rằng những gì họ đã làm là một hành vi tội phạm."
Ông Law Yuk Kai, Giám Đốc tổ chức theo dõi Nhân Quyền Hong Kong, nói rằng: “Vụ hành hung đó vi phạm luật lệ của Hong Kong về tra tấn, theo đó các giới chức lạm quyền có thể phải lãnh án tù chung  thân. Ông yêu cầu giới hữu trách đưa các Cảnh Sát viên đó ra trước ánh sáng công lý. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được....”.
Vẫn ngày 15/10/2014, Bà Jennifer Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết: “Washington rất quan ngại và khuyến khích chính quyền Hong Kong nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra rõ ràng và đầy đủ về sự kiện này. Chính quyền Hong Kong nên có thái độ kiềm chế và những người biểu tình nên tiếp tục bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa là truyền thống lâu đời của Hong Kong về một nhà nước pháp quyền, và các quyền tự do căn bản được quốc tế công nhận”.
Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh: “Luân Đôn luôn ủng hộ các quyền và tự do của Hong Kong”.
Trong lúc Chưởng Quan Hành Chánh Hong Kong Lương Chấn Anh tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tham dự phiên họp của Viện Lập Pháp vào ngày mai (16/10/2014) vì sinh viên cho biết họ nhất định tiếp tục ở lại trên đường phố.
Trong khi vị đứng đầu công tác Hiến Pháp của Hong Kong, ông Raymond Tam cho biết: “Hy vọng cuộc điều đình bị bế tắc có thể được thực hiện lại. Trong vài ngày nay chúng tôi đã tiếp xúc với Liên Đoàn Sinh Viên Học Sinh thông qua một người trung gian để xem có thể mở lại cuộc đối thoại hay không, và nếu được thì khi nào. Hy vọng là chúng tôi sẽ tìm được một nền tảng chung cho một cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và xây dựng để đưa sự việc tiến tới cho bầu cử trực tiếp và phổ thông đầu phiếu vào năm 2017."
Tối nay, tình hình tương đối yên tĩnh trên các đường phố ở Hong Kong, nhưng công chúng tỏ ra lo âu sau khi Hiệp Hội Cảnh Sát trung cấp đưa ra một lời cảnh báo cho chính phủ là: “Tinh thần của Cảnh Sát đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, và 20.000 Cảnh Sát viên của hiệp hội này đang ở trong tình trang mà họ nói là “bắt đầu không thể phân biệt đúng sai”.
Thứ ba.  Ông Luơng Chấn Anh lại đề nghị đối thoại.
Ngày 16/10/2014, trong buổi họp báo sáng nay, ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo đặc khu Hong Kong, cho báo chí biết: “Trong những ngày qua và kể cả sáng nay, thông qua các bên thứ ba, chúng tôi đã cho các sinh viên biết là chúng tôi muốn tiến hành đối thoại càng sớm càng tốt, và nếu có thể thì ngay trong tuần tới, về thể thức bầu cử phổ thông đầu phiếu. Cùng lúc, ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh: “Bắc Kinh không chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát, và  lựa chọn giới thiệu các ứng viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo hành pháp Hong Kong vào năm 2017”.
Ngày 17/10/2014, vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh loan báo chính phủ của ông đang tìm cách thương lượng với người biểu tình đòi dân chủ, thì căng thẳng lại bùng ra vào lúc sáng sớm. Thông tín viên VOA Ivan Broadhead  tường thuật: “Hằng trăm Cảnh Sát  đã kéo tới Kowloon, dỡ bỏ các rào cản trong cố gắng chấm dứt việc chiếm đóng quận thương mại Mongkok, nơi đã diễn ra những vụ đối đầu bạo động giữa Cảnh Sát với người biểu tình đòi dân chủ và các phần tử thân Bắc Kinh trong 19 ngày qua”.
Cảnh Sát chống bạo động và các xe có cần trục đã đến Mongkok lúc 5 giờ sáng. Cánh Sát nói là họ đến tháo dỡ các chướng ngại trên đường chứ không phải chống biểu tình. Một người hoạt động trẻ tuổi giấu tên, nói cô và bạn bè lấy làm thất vọng trước hành động của Cảnh Sát: “Tôi thấy họ mạnh tay dẹp một số lều trại và chận một số lều của bạn bè tôi. Họ đâu cần phải làm thế, họ rất giỏi tự lừa dối mình. Chúng tôi rất tức giận.”
Lãnh đạo Liên Đoàn Sinh Viên Hong Kong Alex Chow nêu nghi vấn về sự thành thực của ông Lương Chấn Anh khi đề nghị đàm phán. Anh nói: “Đề nghị này không phù hợp với lệnh của Cảnh Sát dẹp đường phố, và việc chính phủ từ chối không cung cấp các chọn lựa hợp hiến cho quyết định của Bắc Kinh đòi kiểm tra các ứng cử viên ra tranh cử vào năm 2017, là nguyên nhân dẫn đến biểu tình”.
Nhà lập pháp của Đảng Dân sự Ronny Tong nói: “Những gì xảy ra cách đây 2 đêm đã góp phần làm cho nhiệt độ lại tăng lên. Tôi không thể nói, tôi trông đợi sẽ có nhiều tiến bộ từ các cuộc đàm phán. Nhưng họ ngồi xuống bàn thương nghị càng sớm thì nhiệt độ sẽ càng giảm nhanh một chút. Vì thế tôi hy vọng các bên có thể họp với nhau vào thứ hai hay thứ ba tới.”
Chuyên gia về quản trị công ty địa phương David Webb nói rằng: “Dành cho Hong Kong quyền phổ thông đầu phiếu thực ra giúp cải thiện sự thịnh vượng. Không có nền kinh tế đại quy mô nào phồn thịnh nếu không được hưởng nền dân chủ”.
Rõ ràng là hành động của Cảnh Sát là  phá vỡ các trại biểu tình hàng đêm trong tuần này, chính phủ nay đối mặt với vấn đề nhức đầu là phải làm gì đối với hàng ngàn người biểu tình bám trụ trong trại cuối cùng nằm ngay giữa lòng thành phố.
Ngày 18/10/2014, hãng tin Reuter/Carlos Barria: “Cảnh sát Hong Kong dùng dùi cui đánh vào người biểu tình tại khu mua sắm Mong Kok sầm uất, đã làm khoảng hai chục người bị thương”. Theo quan sát của AFP:Cảnh Sát đã dùng dùi cui đánh tới tấp vào người biểu tình. Trong khi  họ giải thích là có phản ứng sau khi người biểu tình tìm cách phá vòng vây”. Trong khi thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình: “Bị thương ở đầu, gãy xương, sưng thâm tím. Đ h Sát Hong Kong, qua việc sử dụng tối thiểu vũ lực để giải tán đám đông nhằm tránh tình hình bùng phát. Trong khi đó, những người biểu tình tố cáo tình trạng lạm dụng vũ lực của Cảnh Sát.
Tối 18/10/2014, Bà Carrie Lam, Bí Thư Hành Chánh cho biết: “Thứ Ba (21/10/2014) là ngày sớm nhất trong ba ngày mà chính phủ đưa ra cho Liên Đoàn Sinh Viên Hong Kong. Đã có  những bước tiến cho cuộc đối thoại”.
Cô Ashley Lai, sinh viên đại học năm thứ nhất, tham gia cuộc biểu tình đã nói: “Không thể giải quyết vấn đề này bằng cách quét sạch chúng tôi. Sau khi chính quyền dẹp sạch chúng tôi, chúng tôi sẽ tập trung trở lại. Điều mà chúng tôi cần là chính phủ phải đối diện với chúng tôi, phải đối thoại với chúng tôi.”
altThứ tư. Hai bên đàm phán.
Sau hơn 3 tuần lễ biểu tình đòi nhà cầm quyền thực hiện bầu cử vào năm 2017 phải đúng theo nội dung Luật Căn Bản, đã bị Cảnh Sát Hong Kong đàn áp bằng dùi cui và lựu đạn cay đã gây đổ máu, hôm nay -21/10/2014- phái đoàn nhà cầm quyền với phái đoàn sinh viên ngồi vào bàn hội nghị, một hội nghị mà các nhà quan sát không tin là có kết thúc tốt đẹp cho sinh viên vì bản chất độc tài của Bắc Kinh.
Trích một đoạn trong bài tường thuật của thông tín viên Heike Schmidt/RFI: “Ông Alex, giáo sư Anh ngữ có mặt cùng các học trò của ông trong cuộc biểu tình, vừa xem truyền hình trực tiếp từ phòng hội nghị vừa nói, Mongkok là lá bài duy nhất mà chúng tôi có thể sử dụng khi thương thuyết, vì đây chính là trái tim của một Hong Kong thực sự. Chúng tôi rất lo ngại, vì nếu chính quyền trục xuất được chúng tôi ra khỏi Mongkok, thì phong trào sẽ chết yểu.... Tôi tin rằng, sinh viên đang nói chuyện với những người điếc, cho nên sẽ không có được thỏa hiệp nào”   
altNgày 21/10/2014. Vài giờ trước khi diễn ra cuộc đàm phán, ông Lương Chấn Anh, Đặc Khu Trưởng Hong Kong có dấu hiệu “chìa cành ô liu” khi khẳng định sẽ thiết lập một hội đồng bầu cử “dân chủ hơn” để lựa chọn người kế nhiệm ông. Phái đoàn đặc khu Hong Kong tham gia đàm phán, bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều cuộc đàm phán hơn nữa với thủ lĩnh phong trào chiếm trung tâm. .
Cuộc đàm phán tại Học Viện Y Học lúc 6 giờ chiều, được truyền hình trực tiếp để người biểu tình trên đường phố và đồng bào được chứng kiến. Phái đoàn sinh viên 5 người trong trang phục màu đen có in dòng chữ “Freedom Now” (tạm dịch: “Tự do ngay bây giờ”) ngồi đối diện với 5 viên chức chánh quyền trong trang phục vest. Sau 2 giờ đàm phán và những yêu cầu của người biểu tình về căn bản vẫn chưa được đáp ứng, vì phái đoàn chánh quyền mơ hồ trong cam kết tìm kiếm sự thỏa hiệp, và họ cho biết là họ cần tham vấn trước khi đưa ra quyết định có tiếp tục đàm phán hay không.
Bà Carrie Lam nói: “Đây là cơ hội tốt của một cuộc đối thoại có ý nghĩa. Tôi hy vọng cộng đồng sẽ nhất trí. Cả chính quyền Hong Kong,  người dân và thậm chí là chính quyền trung ương đều đang lắng nghe ý kiến của sinh viên, nhưng sinh viên phải tuân thủ luật pháp. Chánh quyền Hong Kong sẽ truyền đạt quan điểm của phong trào chiếm trung tâm đến Bắc Kinh, phản ánh các sự kiện xảy ra từ 31/8/2014 đến nay”.
Bà Carrie Lâm cho biết: “Với những cuộc tiếp xúc, từng bước có thể giúp Hong Kong tiến tới phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 và 2020. Hy vọng việc chiếm đóng trong các khu vực của thành phố sẽ sớm kết thúc”. Rồi Bà nhấn mạnh: “Hong Kong đã bị xé nát bởi các cuộc biểu tình”.
Bầu không khí tại Hong Kong trở nên căng thẳng sau thất bại của cuộc đối thoại đầu tiên giữa sinh viên biểu tình với chính quyền vào tối hôm qua, 21/10/2014. Lập trường của hai bên hoàn toàn đối lập nhau.
Thông tín viên Heike Schmidt có mặt tại chỗ, đã tường trình như sau: “Cuộc đối thoại kéo dài hai tiếng đồng hồ, trong bầu không khí lịch sự, nhưng không mang lại kết quả gì. Tim, một người biểu tình, đã theo dõi sát cuộc đối thoại được truyền hình trên màn ảnh lớn, cho biết : "Đương nhiên, tôi rất thất vọng. Chúng tôi muốn có một cuộc bầu cử thực sự theo thể thức phổ thông đầu phiếu để bầu lãnh đạo hành pháp. Thế nhưng, điều duy nhất mà họ đề nghị với chúng tôi, đó là sẽ làm một báo cáo mới gửi tới Bắc Kinh. Như vậy thì sẽ không mang lại kết quả gì. Nhưng chúng tôi cần gia tăng đối thoại. Chúng tôi không muốn thấy có những vụ bạo lực mới".
Mối lo sợ xẩy ra những xung đột rất ám ảnh những người biểu tình, hiện vẫn có mặt trên đường phố ở Hong Kong. Cô Sheilin, 35 tuổi, rất ngưỡng mộ cuộc đấu tranh của giới trẻ đòi có nhiều quyền tự do dân chủ hơn. Thế nhưng, cô tỏ ra không lạc quan về việc Bắc Kinh thay đổi lập trường. Cô nói: "Tôi không thấy có tiến bộ nào cả. Chính quyền không muốn cho Hong Kong được tự do hơn. Như vậy, sẽ không có bầu cử thực sự và công bằng. Chính quyền sẽ định hướng và chỉ cho chúng tôi lựa chọn trong số những ứng viên mà chính họ chỉ định. Sẽ chỉ có một vài ứng viên do Bắc Kinh lựa chọn từ trước. Đó không phải là bầu cử thực sự".
Cô Sheilin cũng muốn thấy những người biểu tình nhổ trại, giải tán, bởi vì theo cô, nguy cơ xảy ra xung đột với Cảnh Sát ngày càng lớn.
Kết luận.
Tôi tóm tắt màn hai của cuộc biểu tình đòi bầu cử dân chủ để Các Anh dễ nhận ra nguyên nhân và sự kiện: Điểm 1. Trong bản Tuyên Bố Chung cũng là Luật Căn Bản của Hong Kong do đại diện Anh quốc với đại diện Trung Cộng đã ký hồi năm 1984, trong đó qui định rằng: “Hong Kong được hưởng qui chế tự trị cho đến ít nhất là năm 2047 -hay là 50 năm sau khi bàn giao- dưới chính sách một quốc gia hai chế độ. Chánh quyền trung ương (Bắc Kinh) trách nhiệm về Quốc Phòng và Ngoại Giao, trong khi Hong Kong duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống tư pháp, lực lượng Cảnh Sát, chế độ tiền tệ, quan thuế, nhập cư, hệ thống truyền thông, hệ thống giáo dục theo Anh quốc, các đại biểu trong các tổ chức đảng phái, và những sự kiện quốc tế”.  Nhưng Trung Cộng từng bước thực hiện bầu cử theo hướng độc tài là “chọn người trước dân bầu sau”, điều mà Việt Cộng đã thực hiện  như vậy tại Việt Nam từ năm 1954 đến nay, và vẫn tiếp tục. Điểm 2. Học sinh sinh viên mít tinh biểu tình đòi hỏi phải áp dụng đúng theo Tuyên Bố Chung trong cuộc bầu cử năm 2017 sắp tới. Cảnh Sát ra tay trong giới hạn của  luật pháp. Nhà cầm quyền hứa sẽ đối thoại vào ngày 10/10/2014. Vậy là đoàn biểu tình rút lui. Điểm 3. Nhà cầm quyền hủy bỏ lời hứa ngay trước ngày đối thoại, thế là học sinh sinh viên biểu tình trở lại với sự phẫn nộ của họ. Lần này Cảnh Sát ra tay đàn áp. Tuy mức độ đàn áp của Cảnh Sát Hong Kong không tàn bạo như Công An Việt Nam, nhưng dưới mắt người dân Hong Kong thì Cảnh Sát của họ đáng khinh bỉ, ngay cả những lãnh đạo các ngành liên quan đến an ninh của Hong Kong cũng tỏ ra giận dữ hành động bạo lực của Cảnh Sát. Các Anh có nhận ra điều hãnh diện được làm dân trong chế độ dân chủ tự do không? Nhận thức mà người Hong Kong có được như vậy, là bắt nguồn từ hệ thống giáo dục lâu đời của Hong Kong -dựa theo nền giáo dục Anh quốc- đào tạo những thế hệ công dân tử tế với hành trang kiến thức khoa học kỹ thuật thích ứng với một xã hội phát triển toàn diện. Các Anh thử nhìn lại hệ thống giáo dục Việt Nam xem có đào tao được những thế hệ công dân không? Hoàn toàn không, giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ đào tạo những thần dân để tuân phục họ, chớ không đào tạo những công dân tử tế để xây dựng đất nước như công dân Hong Kong.
Sự kiện Hong Kong” đem lại bài học nào cho xã hội dân sự Việt Nam? Tôi nghĩ, bài học duy nhất là phải được sống trong chế độ dân chủ tự do, với nền giáo dục nhân bản và khoa học thích ứng với bối cảnh quốc gia, người dân mới có được quyền làm người, và được quyền bảo vệ những quyền đó trong một xã hội văn minh lịch sự.   
Các Anh hãy nhớ: “Cộng sản không thể nào sửa chửa, mà cần phải đào thải nó”. Tổng Thống Nga Boris Yeltsin đã nói như vậy.
Các Anh đừng quên: Trên thế giới, chưa bao giờ có sự kiện người dân từ các nước Dân Chủ Tự Do chạy sang các nước cộng sản độc tài xin tị nạn chính trị, chỉ có người dân từ các nước cộng sản độc tài ào ạt chạy sang các nước Dân Chủ Tự Do xin tị nạn chính trị. Riêng tại Việt Nam:
Thứ nhất. Trong vòng 300 ngày từ sau Hiệp Định Đình Chiến 20/7/1954 có hiệu lực, đã có 868.672 người từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chạy vào nước Việt Nam Cộng Hòa dân chủ tự do tị nạn. Trong các năm 1954-1956, có thêm 102.861 người trốn khỏi phần đất cộng sản vào phần đất tự do chúng tôi tị nạn. Cộng chung là 971.533 người. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 1 “bầu chọn Dân Chủ Tự Do”.
Thứ hai. Trong vòng 20 năm kể từ ngày 30/4/1975, đã có 839.200 người vượt biên vượt biển đến tị nạn chính trị tại 91 quốc gia tự do, và Liên Hiệp Quốc ước lượng khoảng 400.000 đến 500.000 người đã chết mất xác trên biển và trong rừng, trên đường chạy trốn cộng sản! Lại cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 2 “bầu chọn Dân Chủ Tự Do”. 
Và Các Anh đừng quên rằng: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 10 năm 2014
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: Nhat Lung

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts