Đại Học chăn Trâu




Monday 3 November 2014

Thư số 37 gởi : Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

 
 

                        Thư số 37 gởi :
                        Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
                                                                 Phạm Bá Hoa

                         

Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. 
Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc!  Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ Tư Lệnh cấp Sư Đoàn, Tư Lệnh Quân Đoàn, Tư Lệnh Quân Chủng, Tổng Tham Mưu Trưởng, và Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với thư này, tôi mời Các Anh vào lãnh vực giáo dục, một lãnh vực vô cùng quan trọng với trách nhiệm đào tạo những thế hệ nối tiếp dòng lịch sử Việt Nam, trong mục đích xây dựng và phát triển quốc gia theo nguyện vọng người dân. Hãy nhớ, trên bình diện quốc gia, trách nhiệm của người lãnh đạo hay nhóm lãnh đạo là phát triển quốc gia trong ý nghĩa phục vụ người dân.      
Thứ nhất. Nền tảng của giáo dục.
“Giáo dục là nền tảng trang bị cho học sinh sinh viên một hành trang nhân cách và kiến thức”. Nhân cách, cần kiến thức hậu thuẫn những lý lẽ để tránh bị lợi dụng vào mục đích không tử tế. Kiến thức, cần nhân cách trợ giúp biến kiến thức trở thành những dự án những công trình hữu ích trong cuộc sống, đồng thời tạo môi trường cho con người gần gủi nhau hơn, bởi ngày nay mọi sinh hoạt đều tương quan tác động lẫn nhau, ngay cả sinh hoạt từ thiện cũng vậy. 
Giáo dục, bao gồm: “Giáo dục gia đình , giáo dục học đường, và  giáo dục xã hội”. (a) Giáo dục gia đình, do bẩm sinh, huyết thống, và cung cách sống của các thành viên trong gia đình, nhất là ông bà cha mẹ. (b) Giáo dục học đường, do chính sách của chánh phủ, hệ thống tổ chức, biên soạn sách  giáo khoa, đào tạo nhà giáo và chính sách hỗ trợ nhà  giáo, hỗ trợ học sinh sinh viên, phương pháp giảng dạy, cung cách của thầy dạy. (c) Giáo dục xã hội, do những chính sách cùng hệ thống điều hành của chánh phủ, những sự kiện phát sinh và những phương cách giải quyết trong các lãnh vực sinh hoạt xã hội.
Giáo dục, thể hiện đường lối của lãnh đạo thực hiện mục tiêu quốc gia theo nguyện vọng người dân. Muốn đất nước phát triển như thế nào, lãnh đạo phải hoạch định chính sách chiến lược như thế ấy, chánh phủ thực hiện sách lược bằng cách điều hợp các ngành, căn cứ vào đó soạn thảo những chính sách dài hạn và những kế hoạch ngắn hạn để thực hiện, và cung cấp nhu cầu chuyên viên chuyên gia theo từng giai đoạn cho ngành giáo dục. Và ngành giáo dục, đào tạo chuyên viên chuyên gia thích ứng cho nhu cầu đó. Đồng thời liên tục đào tạo và phát triển đội ngũ sư phạm về đạo đức lẫn kiến thức, cải tiến và phát triển sách giáo khoa phục vụ cho nhu cầu chiến lược, cải tiến dụng cụ trợ giáo, phương thức giảng dạy, cơ sở và trang bị, ..v..v...   
Nói chung, “giáo dục” trang bị cho những thế hệ về phẩm chất làm người trong khuôn thước văn hoá dân tộc, về khoa học kỹ thuật của thời đại thích hợp với truyền thống và mục tiêu quốc gia, về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc, và bổn phận công dân đối với tổ quốc.
Thứ hai. Giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hậu quả.
Các Anh hãy nhìn lại những sự kiện từ giữa thế kỷ 20 đến nay, đã chứng minh lãnh đạo Việt Cộng chỉ phục vụ quyền lợi của đảng chớ không phục vụ nguyện vọng người dân, mà quyền lợi của đảng thì đồng nghĩa với quyền lợi riêng tư của lãnh đạo các cấp trong các ngành sinh hoạt xã hội. Để tạo được một xã hội như vậy, chế độ giáo dục học đường và giáo dục xã hội đặt trên nền tảng “xin và cho”, là một chính sách giáo dục vô cùng hiểm độc, vì chỉ đào tạo những thế hệ thần dân -hay ngu dân- để tuân phục đảng với nhà nước, chớ không đào tạo những thế hệ công dân để xây dựng đất nước, nhưng lại được lồng trong cái tủ kính “con người là vốn quí” hay “trăm năm trồng người”, của nhân vật lãnh đạo tàn độc nhất trong lịch sử Việt Nam là Hồ Chí Minh và những nhóm lãnh đạo tiếp nối đến nay.
Một thành phần công dân xã hội chủ nghĩa đã vượt khỏi chính sách giáo dục thần dân, đã suy nghĩ, đã và đang hành động giành lại quyền làm người cho 90 triệu đồng bào trên quê hương Việt Nam, lại bị lãnh đạo Các Anh ghép những công dân đó vào tội hình sự để bắt vào tù hoặc giam lỏng tại nhà dài hạn. Nếu muốn được tự do, phải chấp nhận sống lưu vong hải ngoại như nữ đạo diễn Song Chi lưu vong Na-Uy, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và Luật sư Cù Huy Hà Vũ, mới nhất (10/2014) là Nguyễn Văn Hải tức Blogger Điếu Cày,  ..v..v... Bài bản cũ mèm này trong chính sách siết thòng lọng vào cổ người dân, đến khi cần dối trá với quốc tế, hoặc dùng tù nhân chính trị như những món hàng để trao đổi với quốc tế, như thể nới thóng lọng ra đến mức đủ cho nhân viên truyền thông ăn lương nhà nước rao giảng cái gọi là chính sách “khoan hồng nhân đạo”. Tất cả, do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà ra.
Năm 1989. Trích bài viết của Vũ Hạnh đăng trong báo Công An ngày 31/05/1989 tại Sài Gòn, cho thấy giáo dục như thế nào trong hội nghị tại Viện Nghiên Cứu Giáo Dục miền Nam.
(1) Nhà giáo Tôn Thuyết Dung trình bày: “Sách giáo khoa đang sử dụng đã lỗi thời vì nó được soạn ra trong thời kỳ chiến tranh, và chỉ nhắm vào lớp trẻ sống ở nông thôn miền Bắc. Tất cả chỉ phục vụ chính trị mà không quan tâm đến đạo đức. Sách giáo khoa đề cập nhiều vấn đề mà nội dung lại phản giáo dục ở điểm, trưng dẫn những sự kiện xấu mà không dạy cách sửa đổi. Sách không đào tạo con người trước khi nói đến chủ nghĩa cộng sản, cũng không giúp học sinh phát huy nhận thức, mà lại ép học sinh trả lời một cách dối trá”.
(2) Ông Xuân Diệu nhận xét thật ngắn nhưng rất sâu sắc: “Một trong những thiếu sót quan trọng là giáo dục không đào tạo con người, nên rốt cuộc xã hội chúng ta chỉ có thần dân mà không có công dân”.
(3) Một nhận thức sâu sắc khác: Giáo dục phải nhắm mục đích đào tạo con người dân chủ từ bé, phải chống lại sự tha hóa lớn nhất hiện nay là sự quanh co dối trá, sự thiếu thành thật giữa con người với nhau…”.
Các Anh hãy đọc vài đoạn trong nhật ký “Rồng Rắn” của cố Trung Tướng Trần Độ, cựu đảng viên lão thành của Các Anh viết hồi năm 2000, để thấy người cộng sản kỳ cựu này từng đứng đầu cơ quan coi về tư tưởng của đảng, nói về dối trá bắt nguồn từ đâu. Ông viết: “... Bộ máy quản lý xã hội đã thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. 
Đó là chuyên chính tư tưởng, được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những lưu manh tư tưởng. Nền chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói... Lãnh đạo nói một đằng làm một nẻo. Nói dân chủ mà làm thì chuyên chính. Đặc điểm này cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề, nói vậy mà không phải vậy. Lãnh đạo dối lừa, đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn dối lừa, gia đình cũng dối lừa, lễ hội dối lừa, tung hô dối lừa, hứa hẹn dối lừa, đến giáo dục dối lừa, bằng cấp cũng dối lừa. Ôi, cay đắng thay!...”
Vậy mà ngày 13/6/2012, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn ban hành Nghị Quyết chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020, trong đó có đoạn: “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước, nâng cao vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, xây dựng nền giáo dục có tinh thần nhân dân, tiên tiến, hiện đại xã hội chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng của con người tàn độc nhất trong lịch sử Việt Nam là Hồ Chí Minh làm nền tảng..”
Tháng 12/2012, Hội nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương thảo luận về cải tổ giáo dục, Tiến sĩ Hoàng Tụy, một nhà giáo lão thành và là nhà toán học quốc tế, đã mạnh mẽ: “Giáo dục của ta đang lạc điệu, không giống ai, bắt nguồn từ triết lý giáo dục, tư duy, quan niệm căn bản về mục tiêu đường lối, cung cách làm giáo dục. Nói cách khác, nhà trường không phải chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy học sinh làm người“. Giáo Sư Phạm Minh Hạc, một thời là Bộ Trưởng Giáo Dục cũng đồng ý là “Giáo dục nước nhà không có một triết lý”.
Chắc Các Anh còn nhớ “chính sách mở cửa đổi mới” từ sau năm 1986, rồi nhìn vào thực trạng xã hội rất dễ nhận thấy là lãnh đạo Các Anh có mở cửa đổi mới thật, nhưng là mở cửa đổi mới trong lãnh vực kinh tế, xây dựng, nhất là các sinh hoạt giải trí đến mức trụy lạc, nhưng tuyệt nhiên không hề đổi mới trong lãnh vực chính trị và  giáo dục, trái lại còn siết thòng lọng chặt hơn trước nữa.
Ngày 28/12/2013 trên báo Đất Việt online có bản tin: “Bộ Giáo Dục & Đào Tạo chạy đua để đạt thành tích 20.000 tiến sĩ”, vì vậy mà Bộ này đã công bố tăng ngân sách trong năm 2014 để đạt được mục tiêu 20.000 Tiến sĩ vào năm 2020”."
Giáo sư Phạm Bích San, Phó Tổng Thư Ký liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, phát biểu: “Tình hình khoa học và giáo dục nước nhà rất cấp bách. Việt Nam không có một trường đại học nào trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của một quốc gia với 90 triệu dân nhưng trong một năm chỉ bằng số lượng của một trường đại học Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ Việt Nam  nhiều nhất trong 10 quốc gia Đông Nam Á”. 
Cùng quan điểmPhó Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Uy Liêm phát biểu: “Ngay các công trình khoa học của Việt Nam cũng rất ít, vậy mà chúng ta chỉ ngồi nhà khen nhau vì cái bệnh thành tích”.
Ngày 6/9/2013, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (gọi tắt bằng Anh ngữ là WEF) đã công bố bảng xếp hạng hệ thống giáo dục 8 quốc gia trong khối ASEAN. Theo đó thì WEF ghi nhận Singapore, Malaysia, và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu, Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7, và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Miến Điện (Myanmar) không được WEF xếp hạng. WEF thành lập năm 1970, là tổ chức “phi lợi nhuận”, trụ sở tại Davos , Geneve, Thụy Sĩ. Chủ Tịch hiện nay của Diễn Đàn là Tiến Sĩ Klaus Schwab. Báo cáo cũng khẳng định rằng: “Tài chánh không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt, và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp”.... (Tr. Lâm. Theo Bangkok Post)
Các Anh có cảm nhận nỗi nhục khi mà giáo dục Việt Nam, chẳng những không có 1 trường đại học nào trong bảng xếp hạng 500 trường đại học nổi tiếng trên thế giới, lại còn đứng ngay sau đít Campuchia trong bảng xếp hạng giáo dục của khối ASEAN không?
Ngày 25/9/2013, Tiến sĩ Dương Xuân Thành nhận định: “... Dựa vào truyền thống nhưng bản thân giáo dục lại không thể duy trì và phát huy truyền thống ấy trong chính những sản phẩm mà ngành đào tạo. Ngày nay, càng học lên cao số lượng học sinh, sinh viên lười biếng càng nhiều. Sự lười biếng làm con người ngu dốt, sự ngu dốt biến con người hoặc thành kẻ khùng, hoặc thành kẻ cam phận không có ý chí vươn lên. Cả hai loại người đó đều không phải là mục đích của một nền giáo dục tân tiến. Truyền thống chỉ có thể sử dụng như một đòn bẩy chứ không thể là phương tiện để phát triển giáo dục”.
Ngày 28/12/2013. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Để có giáo sư đúng cả về trình độ lẫn phẩm cách thì ngành giáo dục phải đổi mới, mà phải đổi mới ngay từ Bộ Giáo Dục và Đào Tạo”.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ Trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chánh,  Bộ Giáo Dục Đào Tạo, cho biết: “Liệu mục tiêu 20.000 tiến sĩ của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo có nâng phẩm chất của các sinh viên khi ra trường không, trong khi thực tế Việt Nam vẫn bị đánh giá là nước có nhiều tiến sĩ nhưng rất ít công trình nghiên cứu khoa học?” 
Mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ để làm gì khi mà một nghiên cứu gần đây của Viện Thông Tin và Truyền Thông Quốc Gia cho biết: “70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp”. Tình hình này cũng không sáng sủa trong lãnh vực du lịch, nhà hàng, và khách sạn. 
Bài viết ngày 29/1/2014 trong trang LTCGVN. “Lãnh đạo cấp trên nói dối, lãnh đạo cấp dưới quan nói dối, dân phải nói dối theo”, vậy là nói dối từ trên xuống dưới, nói dối ở mọi cấp, mọi ngành, nói dối trong học đường, nói dối trong xã hội, trong đối xử giữa người với người trong cuộc sống. Trong một xã hội, mọi người đều nói dối, mà mình ngay thật, thì rất khó sống! Rốt cuộc người ngay thật nhất cũng phải nói dối để sống còn.
Ngày 16/8/2014, trích một đoạn trong Zing Blog: “ .... Vấn đề muôn thuở của giáo dục đại học Việt Nam đã tồn tại từ trước, mà nguyên nhân của vấn đề là thiếu sự liên kết của nhà trường với các doanh nghiệp về nhu cầu chuyên viên của họ, nên nội dung đào tạo cứ lẩn quẩn bao nhiêu năm nay, dần dà trở nên lạc hậu vì thế không đào tạo chuyên gia chuyên viên theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ lụy này dẫn đến nạn thất nghiệp tràn lan của sinh viên mới tốt nghiệp. Theo thống kê năm 2013, có tới 101.000 sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp....”
Thứ ba. Giáo dục và tiến sĩ giấy.
Ngày 28/12/1013, trong hội nghị trung ương 8 đúc kết bậc đại học năm 2012-2013, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Phải nhìn nhận khoảng cách giáo dục của Việt Nam với các nước trong ASEAN vẫn chưa thu hẹp được, một số quốc gia bị chững lại đáng kể, vậy mà chúng ta vẫn chưa bắt kịp họ. Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân, một sự thay đổi nhỏ không phù hợp sẽ liên quan đến tương lai của một đời người và cộng lại là nhiều năm đối với tương lai của một dân tộc. Chúng ta phải đổi mới lãnh đạo và điều hành ngành giáo dục, vì hiện nay sinh viên học rất kém nhưng vẫn tốt nghiệp để Bộ Giáo Dục đạt thành tích 20.000 tiến sĩ vào năm 2020”. 
Ngày 21/2/2014, Giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý nguyên Viện Trưởng Viện Di Truyền Nông Nghiệp Việt Nam, tư vấn chương trình KC-06 của Bộ Khoa Học Công Nghệ phát biểu về tình trạng “Tiến sĩ giấy” hiện nay, như sau: “Dư luận nói nhiều về tình trạng “Tiến sĩ giấy” cũng không oan, vì số người học thật, nghiên cứu thật để có học hàm, học vị không nhiều. Tình trạng ngày càng nhiều tiến sĩ không làm được việc, vì nhà nước muốn đề bạt lãnh đạo từ cấp trưởng phòng bắt buộc phải có bằng tiến sĩ. Thêm nữa, lãnh đạo lại nhiều bổng lộc nên họ chạy đua để có bằng cấp tiến sĩ để có quyền lợi. Khi mà xã hội có nhu cầu thì có nguồn cung cấp, từ đó sản sinh ra “bằng cấp thì thiệt nhưng học thì giả”. Rồi ông dẫn chứng:“Làm Tiến sĩ nông nghiệp mà khi kiểm tra trên đồng ruộng, Tiến Sĩ không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa. Còn Tiến Sĩ kinh tế khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vẫn bị hớ và bị lừa nhập máy cũ, kỹ nghệ lỗi thời rồi thua lỗ”.
Khi bàn về nhận định đất nước tụt hậu cũng bởi có quá nhiều tiến sĩ giấy, Giáo sư Trần Duy Quý bày tỏ nỗi đau: “Tôi đau lắm chứ. Hiện tượng đua nhau sử dụng bằng cấp giả là không thể chấp nhận được... Từ việc học giả mà bằng thật, khi bước vào thực tế thỉ không ít vị tiến sĩ đã làm cho người dân điêu đứng, tổ chức thì thiệt hại..... Nếu nhà nước không chấn chỉnh lại thì ngày càng có nhiều tiến sĩ giấy, đất nước càng thụt lùi. Vì vậy mà dư luận có gọi Việt Nam đang trong thời đại tiến sĩ giấy cũng không oan....”
Ngày 10/4/2014, tình trạng bằng cấp giả, bằng cấp nâng đỡ, bằng cấp mua, ..v..v..  nhà báo Lê Nguyên khẳng định phẩm chất giáo dục thời thực dân Pháp rất tốt so với  giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày nay, cả về phẩm chất lẫn kiến thức.... Những ai càng thấm nhuần đạo đức cách mạng, càng được cộng sản chiếu cố đề bạt chức vụ lãnh đạo trong tổ chức đảng với nhà nước, thì càng mất đi phẩm chất con người, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả bán nước cầu vinh”. Với vấn đề này, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội cho biết:Phải nói rằng, từ khi đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam thì con người Việt Nam bây giờ tha hóa hơn con người Việt Nam thời phong kiến.
 Và phẩm chất đạo lý của con người Việt Nam bây giờ, cũng thua cái thời Pháp thuộc”. Từ Đà Nẵng, Giáo Sư Nguyễn Thế Hùng nhận xét: “Tình trạng này xuất phát từ giáo dục mà ra. Nhớ lại Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, nền giáo dục đào tạo con người rất là đàng hoàng. Còn bây giờ, cái nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nó loạn quá?” Từ Hà Nội, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh khẳng định: “... Chúng ta đau xót ở điểm là nền giáo dục từ năm 1945, “hồ chí minh” gọi là nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, cái nền giáo dục đó đã tạo ra loại người đã và đang lãnh đạo đất nước này, và chính họ tạo nên một xã hội băng hoại như hiện nay”.
Ngày 29/9/2014, bài viết “Việt Nam tụt hậu 1 đến 2 thế kỷ" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhận định: Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng biến đổi nhanh chóng, nhưng tại Việt Nam chúng ta có một ngành rất lạc hậu, đó là ngành sư phạm”. Xin nhớ, Giáo sư Đại đã từng từ chối chức Thứ Trưởng Giáo Dục để đi dạy bậc tiểu học, ông nhận định tiếp: “Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chuẩn bị thực hiện cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng hỏi tôi cải cách giáo dục như thế nào?
 Tôi trả lời ngay: Sẽ thất bại, vì chiến lược về giáo dục dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn về góc cạnh triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất thì giáo dục Việt Nam tụt lùi từ 1 đến 2 thế kỷ.... Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông Kennedy cha đã dạy các con của ông rằng; Dòng họ Kennedy sẽ làm Tổng Thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng Thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả nghề móc ống cống, cũng phải là người móc ống cống giỏi nhất nước Mỹ”. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nhưng nhìn lại Việt Nam chúng ta hiện nay thật là đau xót vì không có gì để gọi là chuyên nghiệp cả, ai làm việc gì cũng được nhưng chẳng ra gì”.
Ngày 28/10/2014, Tiến Sĩ Mark A.Ashwill, công dân Hoa Kỳ đang làm việc tại Việt Nam, đã nêu đích danh 21 trường đại học tại Việt Nam, không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ. Tiến Sĩ Mark A.Ashwill là Giám Đốc Quản Trị Capstone Việt Nam, một công ty có trụ sở tại Hà Nội, và chuyên về việc phát triển nhân lực. Dưới đây là 21 trường đại học tại Việt Nam không được Hoa Kỳ công nhận:
  1. Đại học quốc tế Adam (Adam International University), tiểu bang Georgia.
  2. Đại học Akamai (Akamai University) tiệu bang Hawaii.
  3. Đại học American City (American City University) tiểu bang California.
  4. Đại học Di sản Mỹ (American Heritage University) nằm ở phía nam California.
  5. Đại học American Pacific (American Pacific University). Đây là đại học tại Sài Gòn.
  6. Đại học quốc tế American Pacific (American Pacific University - International) tiểu bang New Mexico/ California.
  7. Đại học Apollo (Apollo University) tiểu bang California.
  8. Đại học quốc tế Đại Tây Dương (Alantic International University) tiệu bang Hawaii.
  9. Đại học Capstone (Capstone University) tiểu bang California.
10. Đại học Cosmopolitan (Cosmopolitan University).
11. Đại học Frederick Taylor (Frederick Taylor University) tiểu bang California.
12. Đại học Honolulu (Honolulu University) tiểu bang Hawaii.
13. Đại học Irvine (Irvine University) tiểu bang California.
14. Đại học Quốc tế Mỹ (International American University) tiểu bang California.
15. Đại học Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) tiểu bang California.
16. Đại học Pebble Hills (Pebble Hills University) tiểu bang Pennsylvania.
17. Đại học Preston (Preston University) tiểu bang California.
18. Đại học Tây Nam Mỹ (Southwest American University) tiểu bang California.
19. Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) tiểu bang Delaware.
20. Đại học quốc tế Washington (Washington International University) tiểu bang Pennsylvania.
21. Đại học quốc tế Berkeley (Berkeley International University), tiểu bang Delaware.

Có điều lạ là sau khi tài liệu này được công bố, chưa thấy phản ứng của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam, liệu Bộ này có liên quan theo ý nghĩa mà Các Anh gọi là tiêu cực chăng? 
Kết luận.

Tôi ra khỏi trại tập trung Nam Hà (miền Bắc) hồi tháng 9/1987, ngày cuối tháng 3/1991 tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ. 
Với những năm sống trong nhà tù lớn, cũng gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa, tôi ghi chép từ báo của nhà nước về những vấn đề mà tôi quan tâm, nhất là vấn đề giáo dục, và những tập tài liệu ghi chép đó đến tay tôi hai năm sau đó. Nhắc lại điều đã cũ này để Các Anh hiểu rằng, dối trá trong giáo dục từ khi là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức là “thời đóng cửa rút cầu” với thế giới bên ngoài, lãnh đạo Các Anh dối trá đánh lừa người dân khi cho rằng Mỹ Ngụy cai trị tàn bạo người dân Việt Nam Cộng Hòa đến đổi người dân không có chén ăn cơm.
Vì vậy mà một số người miền Bắc sau ngày 30/4/1975 đã đem loại chén nhựa do Trung Cộng quê mùa sản xuất, vào tặng bà con gốc là công dân của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc ấy họ mới nhận ra đời sống của người dân Việt Nam Cộng Hòa cao gấp trăm lần đối với họ, và họ đổ sự tức giận đó lên đầu lãnh đạo của họ, vì đã dối gạt họ chẳng khác nào dối gạt lịch sử!
Sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, lãnh đạo Các Anh nhìn thấy khối tài sản của xã hội văn minh đã làm họ chóa mắt, và khi tĩnh lại là họ bắt đầu tranh nhau cướp đoạt tài sản cá nhân và tài sản quốc gia rồi dùng xe lửa, xe vận tải, xe riêng mới cướp, chở về miền Bắc quê mùa nghèo nàn lạc hậu. Rồi từ sau ngày đổi mới, bắt đầu bang giao với các quốc gia bên ngoài, theo thời gian mà tình trạng dối trá dẫn đến ăn cắp ăn cướp, tham nhũng trấn lột, mua quan bán chức, đến tận nhà thương đã  “trở thành nhà ghét” vì từ y tá, y công, đến bác sĩ đều đòi hối lộ, ..v..v... 
Nạn trộm cắp, hối lộ, tham nhũng, lừa gạt cướp đất, cướp tiền, cướp nhà, cướp tài sản, len vào đến mọi ngóc ngách trong xã hội, đến mức người dân không còn chỗ nào để tránh nên phải hòa mình vào đó, vì nếu không như vậy thì không thể sống được. Dần dần vói tay ra ngoại quốc, đến mức người bản xứ phải dán những bản cảnh báo đề phòng “kẻ trộm” như tấm bảng cảnh báo trong khuôn viên Học Viện Matsuyama tại thành phố Matsudo, Nhật Bản, có quốc kỳ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bị xé đi phần dưới, thay vào đó là dòng chữ “trộm cắp STOP”. 
Dưới dòng chữ Nhật, có dòng chữ “lao động là vinh quang” như một lời sĩ nhục sâu đến tận đáy của nó! Các Anh có cảm nhận nỗi nhục khi là công dân của một quốc gia mà Nhật Bản -là một trong những quốc gia bị công dân Việt Nam cộng sản- trộm cắp đến mức phải  cảnh báo như vậy không?     
Tôi khẳng định, xã hội Việt Nam ít nhất là  từ khi bị Việt Cộng cai trị trên toàn cõi Việt Nam đến nay, là một xã hội toàn dối trá. Dối trá đến mức mà những nhà văn nhà báo nhà chính trị trên đây, phải thốt lên lời than nghe như đau đớn từ trong đáy tâm hồn của những vị ấy, rằng: “Xã hội Việt Nam ngày nay bị thống trị bởi giả dối. Xã hội Việt Nam, nếu ai không biết giả dối thì không thể tồn tại, đến mức mà ngày nay tất cả đều giả dối, chỉ có giả dối là thật. Với một xã hội như vậy đã dẫn đến tình trạng mà mọi người không còn tin vào bất cứ điều gì chung quanh họ, thậm chì là cũng không tin ngay bản thân của họ nữa, chỉ vì nếu họ thành thật với chính mình thì họ không thể tồn tại trong cuộc sống”. 
May mắn là xã hội còn có những thành phần đã vượt lên sự dối trá đó, và đang tranh đấu giành lại sự thật cho xã hội, giành lại quyền làm người cho 90 triệu đồng bào, trong đó có Các Anh và gia đình Các Anh.   
Tôi nghĩ là tôi đã và đang góp phần nhỏ nhoi hạn hẹp của mình, trong nỗ lực chung của nhiều người với mục đích giúp Các Anh có được nét nhìn của người tự do như chúng tôi, để nhận ra một cách rõ ràng và chắc chắn rằng “Cộng sản độc tài trong lãnh đạo, tàn bạo trong chỉ huy,  dối trá trong điều hành, và côn đồ khi đối xử với dân, từ khi có đảng đến nay và vẫn tiếp tục”. 
Từ đó, Các Anh hãy chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới. 
Các Anh hãy nhớ, cựu Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev đã từng nói: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”
Các Anh đừng quên lời của Đức Đạt Lại Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng: “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoàng tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nẫy nở trên rác rưởi của cuộc đời”.
Và Các Anh cũng đừng bao giờ quên rằng: Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 11 năm 2014
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~
                                                                      ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts